Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 32/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế diễn ra ngày 18/2/2021.

Theo Kết luận trên, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhà máy Thaco Mazda của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Đề án; trong đó lưu ý phạm vi, nội dung của Đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của Đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Cùng với đó, làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai theo yêu cầu đặt ra; bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế.

Đồng thời, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng yêu cầu, các giải pháp, nhiệm vụ cần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược xác định tại các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính năng động của kinh tế tư nhân trong thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo nội dung của Đề án (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo yêu cầu nêu trên) trong quá trình xây dựng các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2021.

TTXVN/Báo Tin tức
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước

Theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Tổng điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN