Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn có hoạt động phần lớn bị “đóng băng”. Dựa trên các thông số và chính sách, các nhà phân tích đã đưa ra nhận định về triển vọng và xu hướng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh đến mức nào?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2021. GDP năm 2020 của nước này đã giảm 3,5% do đại dịch buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh.
Nhưng các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng năm nay có thể nhanh hơn nữa. Các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ với giá trị gần 3.000 tỷ USD được triển khai trong năm ngoái, bao gồm cả gói biện pháp 900 tỷ USD được thông qua vào cuối tháng 12/2020, là chìa khóa để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại.
Hiện nay Quốc hội đang tiến tới việc thông qua gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, với sự ủng hộ của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden, nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, gia đình và việc làm trên toàn đất nước.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể đạt 6%, trong khi các chuyên gia kinh tế khác như Gregory Daco của Oxford Economics cho biết con số tăng trưởng có thể vượt 7%.
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế đã làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể tăng cao hơn, nhưng ông Powell đã trấn an những quan ngại đó khi nói rằng tình hình lạm phát tăng đột biến trong những tháng tới khó có thể kéo dài. Fed cũng đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi thị trường việc làm phục hồi và lạm phát duy trì trên 2% trong một thời gian.
Khi nào thị trường việc làm hồi phục trở lại?
Trong bối cảnh doanh nghiệp đã có thể mở cửa trở lại và dần thích ứng với các biện pháp hạn chế mới liên quan đến dịch COVID-19, kinh tế Mỹ đã khôi phục khoảng một nửa trong số 20 triệu việc làm bị mất trong những tuần đầu của đại dịch.
Nhiều lao động vẫn còn thất nghiệp nằm trong số 10 triệu việc làm bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, thuộc các lĩnh vực dịch vụ khách sạn và nhà hàng. Và hàng triệu người khác đã bị cắt giảm giờ làm hoặc hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động, bao gồm cả một số lượng lớn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái.
Những công việc đó khó có thể được khôi phục cho đến khi vaccine ngừa COVID-19 được triển khai trên quy mô lớn, cho phép mọi người tiếp tục các hoạt động kinh doanh và làm việc bình thường và trường học có thể mở cửa hoàn toàn.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức (U-3) đứng ở mức 6,3% trong tháng 1/2021, thấp hơn đáng kể so với con số 3,5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu tính cả những người không muốn tìm việc làm, hoặc những người đang làm việc bán thời gian nhưng muốn có một vị trí toàn thời gian, tỷ lệ thất nghiệp mở rộng U-6 hiện là 11,1%.
Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton nhận xét, các gói kích thích kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mất việc làm và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn một khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics ước tính kế hoạch kích cầu của chính quyền Tổng thống Biden sẽ tạo ra 7,5 triệu việc làm chỉ trong năm nay.
Những ngành nào đang dẫn đầu tăng trưởng?
Thị trường nhà đất, vốn tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, chỉ “ảm đạm” một thời gian ngắn trước khi bùng nổ trở lại và còn thăng hoa hơn trước.
Hưởng lợi nhờ lãi suất thế chấp chạm đáy, cùng với làm việc từ xa trở thành xu hướng đã khiến người dân di dời khỏi các khu vực đông đúc, doanh số bán nhà mới và nhà hiện có đã tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, nguồn cung nhà giảm do các nhà xây dựng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu, khiến giá nhà tăng vọt.
Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất cũng đã phục hồi ổn định kể từ mùa Hè năm ngoái, mặc dù sản lượng vẫn thấp hơn so với đầu năm 2020.
Và ngay cả trong bối cảnh hạn chế đi lại, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu cho ô tô, điện tử, đồ nội thất cũng như các vật dụng sửa chữa nhà cửa và làm vườn. Các nhà bán lẻ trực tuyến là những người chiến thắng trong giai đoạn đại dịch, với mức tăng doanh số bán hàng gần 30% trong năm ngoái.
Những điểm tối của bức tranh toàn cảnh có thể thấy rõ nhất, đó là tình trạng khủng hoảng trong ngành du lịch, khách sạn và giải trí. Đây là những lĩnh vực có khả năng phục hồi mạnh mẽ chỉ khi người dân có thể thoải mái đi du lịch, nghỉ dưỡng hay ra ngoài thưởng thức các buổi hòa nhạc, xem phim hoặc nhạc kịch như trước đây.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo về những “vết sẹo” mà đại dịch COVID-19 để lại cho nền kinh tế. Hàng nghìn cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn. Có nguy cơ xảy ra một làn sóng phá sản quy mô lớn nếu các công ty hiện đang chồng chất nợ nần không thể vực dậy sau cuộc suy thoái.
Chính quyền các bang và địa phương, những nơi thường gặp khó khăn khi đi vay để tài trợ cho hoạt động của họ, đang phải đối mặt với khả năng buộc phải giảm biên chế giáo viên, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa bù đắp cho các khoản chi tiêu dành cho cứu trợ kinh tế khổng lồ.