Theo ông Rabie, bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, kênh đào Suez vẫn có thể đạt biên lợi nhuận 8%, trong khi các tuyến đường thủy khác đều thua lỗ nặng. Ông nói thêm, kênh đào Suez có được thành công này là nhờ áp dụng các mức chiết khấu 17-75% để thu hút nhiều tàu hơn chọn hành trình đi qua Ai Cập.
Người đứng đầu SCA cho biết, trong tương lai gần, kênh đào Suez sẽ thu hút nhiều tàu hơn nhờ cơ sở hạ tầng, bao gồm các khu hậu cần, liên tục được cải tạo. Theo ông Rabie, các tàu đến Đông Port Said sẽ được nhận các mức chiết khấu đặc biệt cũng như các gói ưu đãi hấp dẫn.
Theo số liệu chính thức của SCA, doanh thu của kênh đào Suez trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2021 đã tăng 2% so với tài khóa trước đó, đạt mức kỷ lục 5,84 tỷ USD, cho dù siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez trong 6 ngày cuối tháng 3 vừa qua, khiến hoạt động giao thông trên tuyến hàng hải quan trọng nối châu Á với châu Âu này bị đình trệ. Các chiến lược quảng bá và chính sách giá cả linh hoạt đã thu hút nhiều tàu, nhất là các tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở container và tàu chở đồ khô, chọn hành trình qua Kênh đào Suez.
Ai Cập mới đây đã thông qua kế hoạch mở rộng và đào sâu thêm phần phía Nam của kênh đào Suez, sau sự cố siêu tàu Ever Given mắc cạn hồi tháng 3 vừa qua. Kế hoạch nâng cấp sẽ tập trung ở phần phía Nam Kênh đào Suez, nơi tàu Ever Given mắc kẹt trước đó.
Ông Rabie nói thêm, quá trình nâng cấp sẽ giúp cải thiện khả năng điều hướng của các tàu di chuyển trên kênh đào Suez. Theo kế hoạch, Ai Cập sẽ mở rộng kênh đào này thêm 40m từ mốc km 122 đến km 162, đồng thời đào sâu thêm từ 19-21m tại đoạn này. Bên cạnh đó, khoảng 10km (từ mốc km 122 đến km 132) cũng sẽ được mở rộng để cho phép các tàu có thể lưu thông theo hai chiều. Kế hoạch mở rộng và nâng cấp kênh đào Suez dự kiến sẽ kéo dài tối đa trong hai năm.