Doanh nghiệp Việt bắt kịp thế giới làm chủ công nghệ

Các sản phẩm công nghệ số của Việt Nam không chỉ chứng minh năng lực làm chủ công nghệ, giải quyết các bài toán trong nước, mà còn mang sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người”, chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam hoàn toàn có thể bắt nhịp và sản xuất được những sản phẩm công nghệ mang tầm quốc tế.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: T.V

Tại diễn đàn “Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới” tổ chức ngày 7/1 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, năm 2020 là một năm rất đặc biệt, khi  Việt Nam phải đối diện với khó khăn và thách thức của dịch COVID-19, song song với đó còn hứng chịu bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội cho Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi công nghệ số, làm chủ công nghệ.

“Có thể thấy, trước đây Việt Nam mất nhiều năm không thể thúc đẩy được các cuộc họp trực tuyến, học trực tuyến, làm việc và quản trị online. Nhưng năm 2020, chỉ trong một tháng, hầu hết các đơn vị và các trường học chuyển sang họp và học trực tuyến. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã thích ứng nhanh để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Tuy nhiên, là một quốc gia đi sau, Việt Nam cần tận dụng nền tảng của thế giới, đây cũng là cách làm của nhiều tập đoàn đã thành công...”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup thừa nhận, trong năm 2020 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên trong cái khó “ló” cơ hội, doanh nghiệp Việt vẫn có thể thích ứng để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ mang tính đột phá, gây tiếng vang trong nước lẫn quốc tế như máy thở phòng chống COVID-19, điện thoại 5G... Vingroup cũng đóng góp trong những thành tựu này.

Chú thích ảnh
Gian hàng giới thiệu sản phẩm Vsmart tai triển lãm Công nghệ Tech Awards. Ảnh: H.Yên

“Trong hai năm qua, Vingroup dành nguồn lực sản xuất ôtô Vinfast, xe máy điện, smartphone Vsmart. Tập đoàn đầu tư cho nhân sự, thu hút nhân tài, thành lập viện nghiên cứu công nghệ ôtô, smarthome, dữ liệu lớn, AI, IoT... theo đúng mô hình thung lũng Silicon (Mỹ). Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp trong công nghệ, Vingroup hợp tác với những đối tác hàng đầu để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư thiết kế, R&D cũng ngày đêm nỗ lực để làm chủ công nghệ”, bà Thu Thủy cho biết thêm.

Tương tự, Propzy – sản phẩm ứng dụng “môi giới” bất động sản (BĐS) thông minh, ra mắt trong mùa dịch COVID-19 được nhiều chuyên gia đánh giá là kịp thời điểm, giúp người dân hạn chế đi lại và hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết. Đây cũng là giải pháp đóng vai trò quan trọng cho sự điều tiết giá cả thị trường BĐS bởi có rất nhiều công ty và “cò” môi giới bất động sản đang hoạt động hiện nay, nhưng có không ít công ty môi giới lừa đảo khách hàng.

Ông John Lê, nhà sáng lập và CEO Propzy chia sẻ: “Để thiết lập những luật định bảo vệ người tiêu dùng trong việc giao dịch nhà đất, giữa môi giới - người bán - người mua, đặc biệt là tạo sự minh bạch thông tin thị trường, Propzy đã hợp tác giữa các tổ chức, hiệp hội BĐS, sàn giao dịch BĐS... nhằm tạo ra những nền tảng dữ liệu thông minh. Qua đó, tạo một mạng lưới phân bổ sản phẩm hiệu quả, giúp khách hàng tìm ra đúng sản phẩm theo các tiêu chí cụ thể hoặc các nhu cầu về tài chính, thế chấp...”.

Chú thích ảnh
Ông John Lê, nhà sáng lập và CEO Propzy chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: T.V

Với ông Trần Duy Phong từ Tép Bạc, việc phổ biến công nghệ với nông dân khó khăn hơn rất nhiều lần so với bình diện phổ thông. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ là tất yếu để giúp nông dân quản lý chăn nuôi chặt chẽ, hiệu quả hơn dựa trên công nghệ và dữ liệu. Do đó, Tép Bạc đã triển khai rất nhiều hoạt động hướng dẫn, đào tạo giúp nông dân tiếp cận công nghệ, sử dụng ứng dụng hiệu quả hơn.

“Hiện nông dân chưa có thói quen ứng dụng công nghệ vào công việc sản xuất, tuy nhiên tương lai chắc chắn công nghệ sẽ dần đi vào đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp. Đây là ngành sản xuất không chính xác, do đó việc ứng dụng công nghệ khó khăn hơn nhưng chắc chắn vẫn sẽ là xu hướng, không chỉ trong nuôi tôm, nuôi cá mà còn trồng rau, trồng lúa... đều phải ứng dụng công nghệ”, ông Trần Duy Phong, đại diện startup Tép Bạc nói.

Chia sẻ về việc hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết việc phát triển doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam là một quá trình bền bỉ, kiên trì, doanh nghiệp phải biết mình đang ở đâu, biết lợi thế, yếu thế của mình. Trong đó, lợi thế cho doanh nghiệp công nghệ là thị trường lớn để phát triển các sản phẩm ra toàn cầu. Yếu thế của doanh nghiệp chính là ứng dụng công nghệ không nhiều.

Do vậy, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều cuộc thi, thúc đẩy triển khai 5G, các chương trình nghiên cứu liên quan 4.0, thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, những diễn đàn đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ. Cùng với đó, các bộ, ngành cùng ngồi với các doanh nghiệp startup, lấy lợi thế của thị trường Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam, môi trường ổn định về chính trị xã hội để hình thành và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng năng suất chất lượng Việt Nam về chuyển đổi số.

Diễn đàn “Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới” nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards 2020, do báo VNExpress tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 7-8/1/2021. Đây là chương trình vinh danh các sản phẩm công nghệ được giới thiệu và bán chính hãng tại thị trường Việt Nam với 3 hạng mục: sản phẩm số, thương hiệu gia dụng, sản phẩm Việt.
Hải Yên/Báo Tin tức
Bãi rác Nam Sơn giảm mùi 98,2% sau thí điểm xử lý mùi bằng công nghệ Nhật Bản
Bãi rác Nam Sơn giảm mùi 98,2% sau thí điểm xử lý mùi bằng công nghệ Nhật Bản

Báo cáo của các đơn vị liên quan cho thấy, sau 1 tuần xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản, nồng độ mùi tổng hợp ở bãi rác Nam Sơn đã giảm tới 98,2%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN