Doanh nghiệp Việt ảnh hưởng như nào khi Fed liên tục tăng lãi suất?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào ngày 27/7 vừa qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Fed, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 2,25% - 2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Trước động thái này từ Fed, nhiều ý kiến từ chuyên gia và doanh nghiệp trong nước cho rằng, mức ảnh hưởng là có, nhưng không lớn.

Chú thích ảnh
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN

Việc điều chỉnh lãi suất này của Fed khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác. Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, các hoạt động mua bán hàng hóa, nguyên liệu của doanh nghiệp nói chung hiện chủ yếu bằng USD. Do vậy, về nguyên tắc, khi doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi vì cùng mức giá bán đã ký kết, sau khi đổi ra tiền Việt sẽ được mức chênh lệch cao hơn. Tuy vậy, ở chiều nhập khẩu doanh nghiệp sẽ thiệt thòi hơn.

"Khi nhập khẩu, chúng tôi phải trả nhiều tiền Việt hơn để quy đổi ra USD, làm tăng chi phí đầu vào, chi phí sản xuất. Tuy nhiên, những thiệt hại và lợi ích về chênh lệch này cũng không đáng kể. Khó khăn là ở chỗ khi Mỹ và nhiều thị trường khác lạm phát sẽ khiến cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là những sản phẩm không thực sự thiết yếu bị giảm xuống, khiến cho mức tiêu thụ, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sang các thị trường này giảm", ông Kết nói. 
 
Theo các chuyên gia kinh tế, khi lãi suất tăng để ứng phó với lạm phát, thu nhập của người dân sẽ giảm, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu. Như vậy, các hoạt động tiêu dùng hàng hóa trên thị trường giảm, và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó bán hàng hơn.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước đều sử dụng đồng USD. Nhưng thời gian qua, tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Nhà nước đều hành nhịp nhàng, sự biến động thấp, chỉ khoảng 2%. Mức biến động này không quá lớn để gây tác động tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.   

Theo phân tích của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, châu Âu và sử dụng nhiều đồng USD cho các thanh toán của mình. Do đó, sự giảm giá của đồng Euro thời gian qua và tăng lãi suất của Fed liên tục gần đây cũng ảnh hưởng phần nào đến xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam vào hai thị trường này.

Chú thích ảnh
May gia công hàng quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH may Kydo Việt Nam tại khu Công nghiệp Phố nối A (Hưng Yên). Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Ở thị trường châu Âu, việc đồng Euro mất giá là tín hiệu không tích cực cho dệt may xuất khẩu của Việt Nam, vì giá cao sẽ khiến khả năng cạnh tranh khốc liệt hơn. Thực tế cho thấy, tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, đơn hàng vào EU có sự chậm lại so với 5 tháng đầu năm.

Với đồng USD, khi Fed tăng lãi suất, đồng nghĩa với đồng tiền USD tăng giá. Đây là điều kiện để doanh nghiệp có những thuận lợi vào thị trường Mỹ, nhưng ngược lại, lạm phát cũng khiến nhu cầu tiêu thụ tại đây giảm. “Do vậy, những tháng còn lại của năm 2022 có thể khó khăn hơn so với nửa đầu năm của 2022” - ông Giang nói.

Cùng với diễn biến của tăng giá đồng USD, giảm giá đồng Euro, thì việc đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vì dịch COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục làm tăng lạm phát, giảm tiêu dùng, sức mua ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản bắt đầu bị chựng lại từ cuối tháng 6, đầu tháng 7. "Từ thực tế đó, Hiệp hội cũng chưa thể có những dự báo chính xác về khả năng phục hồi", ông Giang nói.

Theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi sách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày có sự tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay, cả ở thị trường châu Âu, Mỹ..., nhưng lạm phát và việc Fed tăng lãi suất thời gian qua có thể ảnh hưởng đến sức mua tại 2 thị trường chủ lực này trong thời điểm cuối năm. Chỉ tiêu về xuất khẩu sẽ không như kỳ vọng từ thời điểm đầu năm, song ngành da giày vẫn sẽ có được sự tăng trưởng tốt trong năm nay.

Theo các chuyên gia, việc đồng USD tăng giá từ 2,5-2,7% so với đồng tiền Việt Nam sẽ có lợi cho xuất khẩu. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đối với Mỹ, chủ yếu là hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thuỷ sản, đây là những mặt hàng tiêu dùng nên lợi thế là có, trong khi tác động tiêu cực không nhiều.   

Tỷ giá bắt nguồn từ nhiều yếu tố; trong đó có lạm phát và lãi suất. Tỷ giá giữa USD/VND được dự báo sẽ không ở mức quá lớn do dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức khá cao, cán cân thương mại dự báo thặng dư, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp... Những yếu tố này giúp cho tỷ giá ổn định.

Trong khu vực và thế giới, các đồng khác đều mất giá khá lớn, như EUR mất 7,8% so với USD, đồng yen Nhật mất gần 18%, nhân dân tệ cũng giảm 5,4%, baht Thái cũng mất đến 6,3%... Nhưng Việt Nam, lạm phát thấp chỉ khoảng hơn 2,4% so với 9,1% của Mỹ. Nhìn về mặt tích cực, đồng tiền VND đang khỏe hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực...

Các chuyên gia dự báo, điều hành của ngân hàng nhà nước là rất phù hợp, đồng Việt Nam có thể sẽ mất giá thêm, nhưng không nhiều, có thể chỉ khoảng 3%.

Đức Dũng (TTXVN)
Thị trường tiền tệ trong nước sau quyết định tăng lãi suất của Fed
Thị trường tiền tệ trong nước sau quyết định tăng lãi suất của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nỗ lực kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Về lý thuyết, động thái này có thể sẽ tác động lớn đến thị trường tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN