Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình kích cầu đầu tư

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98/2023/QH15) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại  Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Một trong những cơ chế được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất là việc TP Hồ Chí Minh sẽ khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư.

Tuy nhiên, từ ban hành chính sách đến thực thi hiệu quả vẫn là câu chuyện dài được nhiều doanh nghiệp đề cập đến tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, ngày 5/8.

Bà Mai Phong Lan, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thông tin: TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình kích cầu đầu tư từ hơn 10 năm trước nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo thống kê, cứ 1 đồng ngân sách đầu tư cho chuyển cơ cấu nông nghiệp đô thị thì thu hút được 21 đồng vốn đầu tư từ xã hội hoá; 1 đồng ngân sách kích cầu đầu tư giúp huy động được 12 đồng từ các nguồn lực khác. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, các chương trình bị tạm ngừng khiến không ít doanh nghiệp "hụt hẫng". 

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15; trong đó có nội dung "Trên cơ sở đề nghị của UBND, HĐND thành phố được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố theo đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, mức, thời gian hỗ trợ, do HĐND thành phố quy định" là cơ sở để TP Hồ Chí Minh tái khởi động lại các chương trình khích cầu đầu tư, tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC cho biết, hiện HFIC đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư và dự kiến sẽ trình HĐND trong kỳ họp tháng 9/2023. 

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, chương trình kích cầu đầu tư mới được áp dụng cho doanh nghiệp có 100% vốn trong nước ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sản xuất nông nghiệp - chế biến nông sản; chế biến lương thực thực phẩm; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường (xây dựng nhà ở, xử lý nước thải, chuyển đổi phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu xanh, năng lượng mặt trời); hoá dược, cao su - nhựa; dệt may, da giày; cho đến các dự án đầu tư y tế, giáo dục, thể thao…Dự thảo chương trình cũng nâng cấp hạn mức vay lên 200 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng như ở các kỳ trước; mức hỗ trợ lãi suất có thể là 50% hoặc 100% tuỳ vào nhóm đối cụ thể; thời gian hỗ trợ trong khoảng 5 -7 năm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đánh giá, những chương trình kích cầu đầu tư của TP Hồ Chí Minh trước đây đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, chính vì vậy doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào chương trình kích cầu đầu tư mới theo Nghị quyết 98/2023/QH15. Tuy nhiên, theo dự thảo chương trình hạn mức cho vay tối đa dự kiến được nâng lên 200 tỷ đồng nhưng giá trị hiện tại của 200 tỷ đồng không khác 100 tỷ đồng của hơn 10 năm trước là bao. Vì vậy, thành phố có thể cân đối, xem xét nâng hạn mức hỗ trợ lên 300 tỷ đồng. Thêm vào đó, danh sách lĩnh vực ngành nghề được hỗ trợ kích cầu đầu tư vẫn còn hạn chế, cần kiến nghị bổ sung thêm.

Về phương án triển khai, bà Lý Kim Chi cho rằng, các đơn vị nên áp dụng đăng ký hồ sơ online, trong vòng một tuần, đơn vị đầu mối phản hồi cho doanh nghiệp còn thiếu gì, bổ sung gì để hoàn thiện hồ sơ sau đó mới nộp bản cứng. Tránh tình trạng doanh nghiệp chen nhau đi nộp hồ sơ trực tiếp rồi chờ xét duyệt, bổ sung hồ sơ rất lâu. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, các đầu mối triển khai nên quán triệt, thống nhất quy trình đến từng nhân sự tham gia tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để trách ách tắc. 

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình kích cầu đầu tư mới theo Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều điểm mới, trong bối cảnh khó khăn hiện nay doanh nghiệp rất mong chờ được hỗ trợ. Doanh nghiệp luôn muốn nâng cao hạn mức và mở rộng đối tượng áp dụng. Nhưng, nguồn lực của thành phố là có hạn, nếu mở rộng chương trình quá mức thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ không còn ngân sách hỗ trợ, đây là bài toán mà thành phố cần cân nhắc.

"Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì chính sách hỗ trợ xuyên suốt, liên tục trong khoảng thời gian 5 -7 năm đã đề ra. Trong thực tế tham gia các chương trình kích cầu trước đây, đã có những doanh nghiệp rơi vào tình huống đã được hỗ trợ vay để đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị nhưng sau đó chương trình bị gián đoạn, doanh nghiệp không được hỗ trợ phần lãi vay mà phải tự mình gánh. Thậm chí có doanh nghiệp phải dừng hoạt động, bán nhà để trả lãi cho ngân hàng", ông Đỗ Phước Tống nêu vấn đề.  

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA cho biết, dù thành phố có nhiều chương trình kích cầu được triển khai trong thời gian dài nhưng số lượng doanh nghiệp biết, tiếp cận và được thụ hưởng chưa nhiều so với nhu cầu thực tế. Việc xây dựng chương trình kích cầu mới trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 chính là điểm tựa quan trọng đảm bảo tính ổn định để doanh nghiệp yên tâm tham gia.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nắm rõ đây là chính sách kích cầu đầu tư, ngân sách thành phố chỉ hỗ trợ lãi suất cho khoản vay phục vụ đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất, thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chứ không hỗ trợ lãi suất các khoản vay lưu động. Các doanh nghiệp muốn tham gia chương trình cần xây dựng dự án và đảm bảo tính khả thi của dự án, có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả để thanh quyết toán phần vốn vay đúng thời hạn.

"Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư, HFIC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố, vì vậy, doanh nghiệp cần tích cực tham gia góp ý, đề xuất các lĩnh vực hỗ trợ cũng như cách thức triển khai nhằm giúp quá trình vận hành chương trình được thuận lợi, đạt được hiệu quả cao nhất là hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phát triển lớn, mạnh cũng là thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.", ông Nguyễn Ngọc Hoà chia sẻ.

Xuân Anh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Nghiên cứu đưa dự án nhà ở xã hội vào chương trình kích cầu đầu tư
TP Hồ Chí Minh: Nghiên cứu đưa dự án nhà ở xã hội vào chương trình kích cầu đầu tư

Trong văn bản khẩn gửi các sở, ngành, địa phương về Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu bổ sung các dự án nhà ở xã hội vào chương trình kích cầu đầu tư; đồng thời, rút ngắn trình tự thủ tục khi triển khai dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN