Doanh nghiệp sợ khó nếu ngân hàng giảm nguồn vốn cho vay bất động sản

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2019 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì 45% như trước đây. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lo ngại khó khăn vì nguồn vốn cho vay BĐS sẽ bị hạn chế.

Chỉ còn 3 tháng nữa quy định trên sẽ có hiệu lực, cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.

Chú thích ảnh
HoREA kiến nghị nên tiếp tục sử dụng 45% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vì thị trường BĐS còn nhiều khó khăn

Theo kiến nghị, HoREA cho biết từ đầu năm đến nay thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thị trường BĐS bị sụt giảm mạnh cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và cả về giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những cơn sốt ảo cục bộ giá đất nền, đất nông nghiệp, đất phân lô trái phép tại một số khu vực trong cả nước đã hút một nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội không nhỏ, tác động tiêu cực đến thị trường. Đến nay, tình hình sốt ảo giá đất đã được kiểm soát nhưng vẫn còn phải tiếp tục khắc phục những hệ quả tiêu cực.

Trong khi đó, từ năm 2017 đến đầu năm 2018, các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư và người tiêu dùng đã khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do các tổ chức tín dụng đã dần hạn chế tín dụng bất động sản. Do vậy, nhiều DN, nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Chưa kể, các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nguồn vốn huy động tiết kiệm bền vững hơn theo hướng tăng tỷ lệ huy động trung hạn, dài hạn nên lãi suất cho vay cũng có nhiều biến động tăng theo.

Chính vì vậy, HoREA nhận thấy quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn là chưa thật sự cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản.

Bởi, doanh nghiệp BĐS hoạt động kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.

Thực tế cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2018, dư nợ BĐS cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS. Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS thì tỷ trọng tín dụng BĐS lên đến khoảng 14,43%.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, dư nợ BĐS là 10,8%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Nếu tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan BĐS thì cho vay BĐS trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng dư nợ. Điều này có tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp BĐS.

Đối với việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư BĐS và thị trường chứng khoán, vẫn chưa khả quan vì cho đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài như Vinacapital, Dragoncapital, HomeCredit... cả nước mới chỉ có một quỹ đầu tư BĐS là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ có 50 tỷ đồng nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường BĐS…

Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-NHNN và Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục thực hiện quy định sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%, kể từ ngày 01/01/2019.

Hải Yên/Báo Tin tức
Hạ tầng đồng bộ là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Đông phát triển
Hạ tầng đồng bộ là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Đông phát triển

Nếu như thị trường bất động sản (BĐS) đang khá trầm lắng ở một số khu vực tại TP Hồ Chí Minh, thì khu Đông lại liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực từ những “siêu dự án” chất lượng, để làm lợi thế phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN