Theo đánh giá của Học viện Chính trị Quốc gia, trong những năm qua, quá trình cổ phần hóa và đổi mới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp thành phần kinh tế này đóng một vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi nhanh mô hình hoạt động và trở thành các doanh nghiệp cổ phần hoạt động có hiểu quả cao. Đa số các DNNN đã thành công với sự nghiệp kinh doanh của mình trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã và đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hội thảo "Doanh nghiệp nhà nước - Thành công và những bài học đắt giá". |
Tại hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Doanh nghiệp nhà nước – Thành công và những bài học đắt giá”, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng 30/6, các đại biểu đã tổ chức phân tích, đánh giá thực trạng của các DNNN, làm sáng tỏ những thành công cũng như thất bại của các DN này; trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới đối với DNNN nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và hiệu quả cho DNNN phát triển.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định, trước cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế của Việt Nam cũng có những biến động và gặp không ít khó khăn, vì vậy các DNNN cũng gặp nhiều trở ngại và hoạt động kém hiệu quả. Việc mở rộng quá mức về quy mô hoạt động với đa ngành nghề kinh doanh đã đưa đến những đổ bể đáng tiếc của một số tập đoàn, tổng công ty và DNNN, khiến vị thế của DNNN bị sụt giảm.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, nguyên nhân thất bại của một số DNNN phần lớn là do yếu kém về trình độ quản lý, quản trị, nhân lực thấp và thiếu, thiếu hiểu biết về thị trường quốc tế, năng lực cạnh tranh kém, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu…
“Thêm vào đó, ý thức chấp hành luật pháp của các DNNN chưa tốt, tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại sự bảo hộ của nhà nước.”, TS Nguyễn Văn Điển, Học viện Chính trị khu vực II cho biết.
Các chuyên gia đề xuất cần có cơ chế chính sách đổi mới đối với DNNN và môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và hiệu quả cho DNNN phát triển. Đồng thời, cần phải nhanh chóng tái cấu trúc các DNNN bởi đây là biện pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Vì thế, khi DNNN chuyển sang doanh nghiệp cổ phần sẽ không chỉ huy động được thêm nhiều nguồn vốn để mở rộng quy mô, phát triển doanh nghiệp mà còn thay đổi cả mô hình tổ chức, quản lý doanh nghiệp theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, có chất lượng và hiệu quả hơn. Do đó, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay.