Doanh nghiệp mong muốn sớm có cơ chế mua bán năng lượng tái tạo

"Ngành điện Việt Nam không mua điện thừa từ điện mặt trời áp mái nhà gây lãng phí rất lớn. Hiện nay, vấn đề này đang là điểm nghẽn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Bối cảnh thị trường điện Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển dịch từ độc quyền, nhà nước kiểm soát sang tư nhân kinh doanh điện. 

Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn nhà nước sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ các dự án năng lượng tái tạo để giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường", bà Đào Thu Hằng, Cố vấn Việt Nam tại Clean Energy Investment Accelerator (CEIA) cho biết tại Hội thảo "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bằng các giải pháp sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả, phát triển bền vững trong bối cảnh hồi phục kinh tế hậu COVID-19" do Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ) phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức chiều 6/5.

Trong 3 năm gần đây, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo rất ấn tượng. 3 năm trước Việt Nam không có tên trên bản đồ năng lượng tái tạo, hiện nay, Việt Nam đứng top 10 trên thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể lên tới 136.000MW, lượng điện ước tính khoảng 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng. Các địa phương đang dịch chuyển dần sang phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ), doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy trách nhiệm xã hội và tăng cường uy tín của doanh nghiệp và là cơ hội để quảng bá đến nhà đầu tư; năng lượng tái tạo giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, giảm chi phí vận hành, góp phần ổn định lưới điện thu hút các nhà đầu tư đến với Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng nhận định các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, Trưởng ban đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam - ông Michael R. Digregorio cho biết ở Việt Nam có nhiều dự án chuyển than đá sang năng lượng không kêu gọi được các nhà đầu tư. Sự thay đổi của các công ty đầu tư chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, năng lượng mặt trời, pin trữ,...). Các doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư do họ nhìn thấy cơ hội, khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề lớn của các nông dân, doanh nghiệp hiện nay là khi sử dụng năng lượng mặt trời  không hết nhưng không thể tìm nơi bán nguồn điện dư thừa này. Hiện Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ban hành cơ chế mua - bán điện năng lượng mặt trời. Vì vậy, chính phủ cần có những quy định kịp thời phù hợp với thay đổi của xu thế thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cũng cung cấp cho các cơ quan chức năng địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những thông tin mới về tác động của biến đổi khí đến kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long; mối quan hệ giữa tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, cơ hội, rủi ro của doanh nghiệp; các giải pháp để liên kết giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc chủ động phòng, chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế địa phương và doanh nghiệp bền vững; kinh nghiệm sử dụng điện từ năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh;...

Thu Hiền (TTXVN)
Đa dạng nguồn năng lượng: Cơ hội cho điện mặt trời mái nhà tự dùng
Đa dạng nguồn năng lượng: Cơ hội cho điện mặt trời mái nhà tự dùng

Mới đây, Hội đồng thẩm định đã thông qua dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII); trong đó, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải sẽ được khuyến khích mạnh. Điều này sẽ tiếp tục tạo "sức hút" đầu tư cho loại hình năng lượng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN