Theo bản trình Quy hoạch điện VIII mới nhất, đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát) sẽ khoảng từ 93.862-98.394 MW, lên mức từ 120.995-145.930 MW vào năm 2030 và từ 284.660-387.875 MW tới năm 2045. Trong đó, đối với điện mặt trời, tổng công suất phát triển đến năm 2025 đạt khoảng 16.491 MW, con số này không thay đổi tới năm 2030 và đến năm 2045 được nâng lên mức 74.741-96.666 MW. Tương đương với tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn điện này dự kiến đạt khoảng từ 6,8-7,0% vào năm 2025, đến năm 2030 giảm xuống mức từ 4,5-4,8% và đạt từ 11,1-12,1% năm 2045.
Trong dự thảo quy hoạch điện VIII, tỷ lệ nguồn điện than giảm mạnh trong cơ cấu nguồn, từ mức 29,3-30,8% vào năm 2025 (tổng công suất 28.867 MW) xuống còn 25,7-31% năm 2030 (công suất 37.467 MW) và chỉ còn mức 9,7-13,2% vào năm 2045 (công suất 37.467 MW).
Đáng lưu ý, quy hoạch lần này sẽ khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự cung cấp cho phụ tải (tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia) và phục vụ sản xuất các dạng năng lượng mới như: hydrogen, amoniac xanh,…). Các loại hình như vậy được phát triển không giới hạn công suất, không bị giới hạn bởi cơ cấu nguồn trong quy hoạch, được bổ sung quy hoạch khi có đề xuất khả thi....
Theo đánh giá từ ông Nguyễn Văn Vy, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, những vấn đề này trong quy hoạch sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp tính toán đưa ra hướng đầu tư nhằm phát triển mạnh hơn nữa nguồn năng lượng mặt trời; đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. Đây là loại hình năng lượng đã bị ngắt quãng trong thời gian qua do thiếu chính sách chuyển tiếp.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, với xu thế tăng giá của than, dầu khí, sự bất ổn trong nguồn cung của các nguyên nhiên liệu này thì định hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi là rất đúng đắn. Với điện mặt trời mái nhà, quy mô nhỏ và phân tán sẽ được sử dụng trực tiếp tại các khu vực phụ tải người dân, doanh nghiệp, trong khi không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống lưới điện.
"Lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí sử dụng điện, đồng thời giảm nắng nóng, giúp căn nhà mát hơn. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng là góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, loại hình năng lượng này nối lưới còn giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc phát triển nguồn điện thay thế....", đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho hay.
Hiện nay, theo chi phí lắp đặt điện mặt trời mái nhà hòa lưới không lưu trữ điện năng, các hộ gia đình tùy theo nhu cầu sử dụng điện và khả năng tài chính có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời từ 18 - 35 m2, có giá từ gần 50 - 90 triệu đồng, cho sản lượng trung bình từ 12 - 24 kWh điện mỗi ngày.
Theo ông TS. Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng, hiện Bộ Công Thương cũng đang xem xét, nghiên cứu dự thảo phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng không hạn chế công suất, nhưng sẽ đưa ra tỉ lệ tự dùng với mục đích để không phải đầu tư thêm lưới điện, đảm bảo hệ thống điện mặt trời mái nhà có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội. Với quan điểm phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ tự dùng là chính, dự thảo cũng xây dựng giá điện theo hướng không duy trì giá cố định, mà dựa trên khung giá phát điện hằng năm được Bộ Công Thương ban hành.
Theo ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng của nước ta, với khả năng phát vào khoảng 5 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam và vào khoảng 4 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc vào khoảng từ 1.500 - 1.700 giờ trong khi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2.000 - 2.600 giờ mỗi năm. Đây là nguồn tài nguyên trời cho để phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, góp phần đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của nước ta.
Định hướng mới không giới hạn điện mặt trời tự dùng sẽ tạo ra sức hút tốt hơn với loại hình năng lượng này. Thực tế, Công ty Mặt trời đỏ từ nhiều năm nay đã triển khai lắp đặt các dự án điện mặt trời mái nhà, phân tán tại các hộ dân, khách sạn với mục đích tự dùng, giảm sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng.
"Tuy nhiên, để phát triển rộng hơn nữa loại hình điện mặt trời mái nhà, tạo ra những “con phố năng lượng mặt trời” giống như nhiều nước trên thế giới. Hay, những khu công xưởng điện mặt trời mái nhà, cần có thêm những chính sách, văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng hơn từ phía cơ quan chức năng, liên quan đến công nghệ, ưu đãi ra sao để người dân, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ hơn", Chủ tịch Công ty Mặt trời đỏ cho hay.
Mới đây, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã phối hợp triển khai dự án "Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS)". Dự án này nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Đồng thời, cũng thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực của các đối tác và thúc đẩy hợp tác công nghệ. Điều này nhằm cải thiện các điều kiện cho sự phát triển bền vững của thị trường điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án CIRTS, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, cho rằng điện mặt trời mái nhà sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết COP26 của Việt Nam. Dự án CIRTS sẽ phân tích các điểm cần cải thiện trong các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc hòa lưới các hệ thống điện mặt trời mái nhà. Từ đó, khuyến nghị áp dụng kinh nghiệm thực tiễn quốc tế phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện cho nhóm công tác kỹ thuật xác định rõ các nhu cầu thực tế để có thể tiếp tục cập nhật thêm các quy tắc, tiêu chuẩn và quy chuẩn.