Theo đó, hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch, kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến tháng 2 năm 2022.
Cụ thể, các dự án đã vận hành gồm rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã vận hành, đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Các dự án chưa vận hành cần rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có quy hoạch nhưng chưa đưa vào vận hành, cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành theo Phụ lục kèm theo văn bản này.
Cùng với đó, đánh giá nguyên nhân chưa vào vận hành của các dự án: khó khăn, vướng mắc về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực đầu tư, tài chính; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện các dự án, thay thế hoặc loại bỏ quy hoạch nếu cần thiết...Văn bản của Ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị gửi về Bộ Công Thương trước ngày 7/3/2022.
Theo thống kê của Bộ Công thương, kể từ tháng 3/2016 đến hết năm 2020 đã có 384 dự án được bổ sung mới vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong đó, có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.921MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.400MW.
Hiện nay cũng đã có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475MW. Công suất điện gió đã vào vận hành thương mại từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 là 3.980,265MW với 84 dự án.
Trong số đó, có 15 dự án đã vận hành thương mại (COD) được một phần công suất là 325,15MW và tổng công suất chưa COD là 1.031,1MW. Đối với các dự án điện mặt trời, đến hết ngày 31/12/2020 đã có 148 dự án đã được công nhận COD với tổng công suất là 8.652,9MW.