Doanh nghiệp logistics cần điều gì để đẩy nhanh chuyển đổi số?

Nhiều năm qua, thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu. Thực tế đó cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) cần thiết phải có những giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nhằm khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Cảng Quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh minh họa: Đức Nghĩa/TTXVN phát

Cần thiết chuyển đổi số

Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’.

Các chuyên gia cho rằng, công nghệ số sẽ giúp ngành logistics vượt qua các thách thức bằng cách tối ưu hóa quy trình, giao tiếp từ đầu đến cuối, quản lý chuỗi cung ứng, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics là quá trình chuyển đổi đột phá mang tính khoa học cao, đòi hỏi sự tiên phong nghiên cứu và đề xuất mô hình phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội từng khu vực cũng như môi trường thiên nhiên. Quá trình đó đòi hỏi những bước phát triển và mô hình thời gian phù hợp để đảm bảo sự thành công.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Hiện thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ  logistics, KMTC Logistics,…

Trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.

Thực tế, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia, như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và khối EU do hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics, gồm cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải, xe container,… chưa hiệu quả. Do đó, ứng dụng công nghệ số hóa là yêu cầu cần thiết để cắt giảm chi phí.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Quang Trung cho biết, hiện mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Theo đó, chủ yếu là các dịch vụ, gồm: khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

Triển khai nhiều giải pháp

Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, sản phẩm Cảng điện tử ePort là một trong những đề án thành công về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm dịch vụ của Tân Cảng Sài Gòn. Qua đó, giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont, giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lên 19.000 - 20.000 lượt xe/ngày.

Bên cạnh đó, Tân Cảng Sài Gòn đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hiện nền tảng bản đồ Vmap đang được xây dựng cùng cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình. Nền tảng mã địa chỉ bưu chính có khả năng số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ cần “tìm” khách hàng.

Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử… nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để làm chủ hoạt động vận hành, phục vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Kinh Doanh cước quốc tế đường hàng không Công ty cổ phần Logistics U&I cho biết, công ty đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách hàng như: quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý vận hành tập trung, quản lý nhân sự, quản lý quan hệ khách hàng… và phân tích thông minh. Việc này giúp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và thời gian quản lý hàng hóa, giảm chi phí phân phối và lưu kho, tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí hành chính và lỗi hóa đơn, theo dõi chính xác hoạt động giao nhận vận tải trên một nền tảng.

Theo ông Trương Tấn Lộc, các doanh nghiệp logistics cần sự đồng hành, ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng. Đồng thời, cần việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc).

Giám đốc Công ty TNHH Kho vận Mekong Đặng Thị Bích Loan cho rằng, với vai trò là người gác cửa nền kinh tế, ngành Hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành logistics Việt Nam. Công ty TNHH Kho vận Mekong kiến nghị ngành Hải quan cần chuyển đổi số, số hóa quy trình nghiệp vụ nhanh hơn, tinh gọn hơn để các doanh nghiệp logistics hoạt động hiệu quả hơn,…

Hồng Đạt (TTXVN)
Nhiều cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp cùng logistics
Nhiều cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp cùng logistics

Ngày 3/6 tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam tổ chức tọa đàm “Sinh viên khởi nghiệp cùng logistics”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN