Doanh nghiệp lo thiếu nhân lực khi hoạt động trở lại

Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp cũng bắt tay khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, họ lại phải đối mặt với bài toán thiếu lao động nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Trong hai ngày 30/9 và 1/10, hàng ngàn người lao động đã trở về quê sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội. 

"Đỏ mắt" tuyển công nhân

Ba tuần nay, Công ty TNHH may mặc Đức Tiến (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) liên tục đăng tin tuyển nhân viên khắp nơi để tìm lao động nhằm chuẩn bị hoạt động sản xuất trở lại sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10. Tuy nhiên, dù đã "tổng động viên" cả rao tuyển trên mạng, dán thông báo trước cổng công ty,  gọi điện, gửi thông tin mời công nhân cũ quay lại làm việc... nhưng đến nay công ty vẫn chưa thể tuyển đủ lao động theo nhu cầu.

Anh Lê Công Tiến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Đức Tiến cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này,  công ty đã phải đóng cửa từ đầu tháng 7 và cho tất cả công nhân tạm nghỉ việc. Mặc dù công ty vẫn trả phụ cấp bằng 50%/tháng lương cơ bản để giữ chân người lao động, nhưng do thời gian giãn cách quá dài, trong khi chí phi sinh hoạt hàng tháng tại thành phố quá cao so với mức lương phụ cấp, nên người lao động bỏ về quê sinh sống.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh mời người lao động ở lại để đồng hành cùng thành phố khôi phục hoạt động sản xuất. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

"Khi thấy Thành phố chuẩn bị mở lại sản xuất, tôi đã thông báo cho các công nhân cũ là công ty mời họ quay trở lại làm việc với mức lương tăng thêm 5%. Tuy nhiên, đa số công nhân cho biết, họ đã về quê và sắp tới không có dự định trở lại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, dù đã rao tuyển lao động gần 3 tuần nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ lao động để mở cửa trở lại. Trong khi đó, hiện công ty đã bắt đầu nhận các đơn hàng may mặc cho mùa sản xuất xuất cuối năm, giờ chưa biết tìm nhân lực ở đâu để đảm bảo đúng hợp đồng", anh Lê Công Tiến tâm sự. 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang thấp thỏm lo chậm tiến độ giao hàng cho đối tác vì 60% lao động đã về quê.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội do dịch COVID-19, vì là ngành thực phẩm, cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu nên hầu hết doanh nghiệp trong hội vẫn duy trì sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” với công suất khoảng 50%. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động nhiều và có thể phục hồi nhanh khi thành phố nới lỏng giãn cách. Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp trong ngành tập trung cho việc ổn định sản xuất, chuẩn bị mở rộng công suất lên 70-80% và tùy tình hình, có thể tiến tới 100% công suất.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã trở lại trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh.

"Hiện nay, các doanh nghiệp đều xác định tâm thế cần sớm khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn khác là làm sao để đưa người lao động quay trở lại sản xuất, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu rất cần ổn định lao động để tập trung trả nợ đơn hàng cuối năm. Hay tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh khiến doanh nghiệp cạn vốn dự trữ nếu đầu tư mở rộng sản xuất", bà Lý Kim Chi cho biết thêm.

Tương tự, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, vấn đề khiến doanh nghiệp lo lắng nhất khi phục hồi sản xuất là thiếu hụt người lao động. Có trường hợp người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng tâm lý chưa ổn định để bắt tay vào làm việc, dù doanh nghiệp đã mời họ trở lại. Mặt khác, các lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng lại sinh sống ở các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương và hiện nay họ vẫn chưa không thể vào Thành phố để làm việc vì phải đảm bảo các quy định phòng dịch của các tỉnh. Cụ thể, tại Công ty Nam Thái Sơn, nhà máy của công ty đặt tại Cát Lái, cạnh bến phà nhưng hiện gần 200 công nhân ở ngay bên kia sông Đồng Nai là huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vẫn không thể qua TP Hồ Chí Minh để làm việc.

“Các khách hàng lâu năm vẫn chờ đơn hàng của chúng tôi trong tháng 10. Các thủ tục khôi phục trở lại đã hoàn thiện nhưng chúng tôi chỉ còn vướng mắc khó khăn ở phần thiếu lao động để ổn định sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong chính sách phối hợp về đi lại giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng để tạo điều kiện cho lao động đi làm trở lại bình thường", ông Trần Việt Anh kiến nghị. 

Cần thêm chính sách cho người lao động

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza), tính đến nay, số lượng lao động cũng như doanh nghiệp tại các KCN-KCX, Khu công nghệ cao ( KCNC) hoạt động trở lại ngày càng tăng. Trong 3 ngày, từ 1-3/10, có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đến ngày 6/10 có 9.200 doanh nghiệp hoạt động.

Cụ thể, tại các KCN-KCX, trước ngày 1/10 có 70.000/288.000 lao động làm việc (chiếm 24%) và có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (đạt 53%). Đến ngày 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%). Trong khi đó, tại KCNC, trước 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” và đến ngày 6/10, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 55%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp xét nghiệm COVID-19 cho công nhân nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch khi mở cửa trở lại.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều ngày 7/10, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã trở lại trạng thái bình thường mới và các cơ sở sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại, thu hút ngày càng nhiều lao động. Tuy nhiên, số lao động hiện nay ở KCN, KCX, KCNC chỉ còn trên 50% nên thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp chưa mở cửa hoạt động trở lại.

"Đây là bài toán rất lớn với TP Hồ Chí Minh khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh trân trọng mời người lao động tiếp tục ở lại cũng như quay trở lại TP Hồ Chí Minh để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm", ông Phạm Đức Hải nói.

Để giải bài toán thiếu hụt lao động trong trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nguồn nhân lực được xem là tài sản lớn nhất của tất cả doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến, do vậy nếu để lực lượng này hồi hương sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, khó khăn hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt may, thêu đan đang có nhiều đơn hàng cần hoàn thành vào dịp cuối năm. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chính sách hỗ trợ đời sống công nhân rất tốt nhằm giữ chân lao động. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ chăm lo cho công nhân ở những thời điểm thiên tai, dịch bệnh mà cần phải thực hiện xuyên suốt để có thể kết nối được giữa lãnh đạo và công nhân, là động lực để công nhân gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất và khiến người lao động thất nghiệp phải hồi hương. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ phối hợp đưa người lao động trở lại làm việc tại thành phố. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

"Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, chính quyền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành cần ngồi lại, đưa ra giải pháp khắc phục thực trạng này, bằng việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thành phố thuận lợi. Đối với các doanh nghiệp cũng cần đưa ra các chính sách, phúc lợi cụ thể và rõ ràng để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc", ông Nguyễn Xuân Hồng kiến nghị.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, khi thành phố trở lại trạng thái bình thương mới, quan điểm của Công an Thành phố là luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hết mức để người dân quay về TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, người dân muốn quay trở lại cần phải đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 như: tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng dịch, có xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, khi đưa người lao động trở lại thành phố cũng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành để đảm bảo an toàn khi lưu thông và an toàn về dịch bệnh cho người dân. 
Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Hướng dẫn cách đăng ký về quê đón người thân trở lại TP Hồ Chí Minh
Hướng dẫn cách đăng ký về quê đón người thân trở lại TP Hồ Chí Minh

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn người dân cách đăng kí qua cổng thông tin điện tử của Sở để đi về các tỉnh đón người thân đang bị mắc kẹt vì dịch bệnh trở lại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN