Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, từ đầu năm đến nay, trước những khó khăn do dịch COVID-19, Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ đưa chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Đến nay, trong bối cảnh đi lại, nhập cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thành công trong việc đưa hơn 10.000 chuyên gia Hàn Quốc vào phục vụ các dự án FDI tại Việt Nam. Đây là nguồn nhân lực vô cùng quý giá đảm bảo sự hoạt động, vận hành bình thường của các nhà máy, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam.
Việt Nam có những yếu tố thuận lợi và cơ hội tốt để có thể bứt phá phát triển trong thời gian tới. Việt Nam về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh COVID-19. Sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam không ngừng tăng lên. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp FDI; trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
“Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương luôn nhất quán ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trong đó có các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như thu hút đầu tư Hàn Quốc với chất lượng cao hơn nữa, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, tham gia nhiều các FTA, các bộ, ngành, địa phương quan tâm... Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp hai bên cần thường xuyên kết nối, trao đổi, phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh, đầu tư hơn nữa.
Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 với Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt gần 67 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử...
Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn của Hàn Quốc với các nhóm ngành hàng máy móc, thiết bị phục vụ đầu tư, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, hàng điện tử tiêu dùng.
Về đầu tư, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư tích lũy kể đến tháng 10 năm 2020 đạt gần 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 8.934 dự án.
Các tập đoàn, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hiện đang góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại của Việt Nam trong những năm qua. Để có được kết quả này là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc, của Chính phủ hai nước, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều cơ hội danh cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang ở phía trước như Việt Nam đã và đang thực thi các cam kêt của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) bước vào giai đoạn thực thi, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua.
Các hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt nam nói chung và cơ hội tạo sự bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dệt may, da giày, điện tử, chế biến nông thủy sản dự kiến sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ những cam kết do các FTA thế hệ mới mang lại...