Không chỉ kinh doanh thua lỗ, mà thậm chí có lãi, nhưng vẫn có doanh nghiệp FDI tẩu tán tài sản, trốn khỏi Việt Nam để lại nhiều khoản nợ không có khả năng thu hồi, từ thuế, bảo hiểm đến lương công nhân. Thực trạng này được nhìn nhận do chính sách, hệ thống pháp luật vẫn còn "kẽ hở", trong khi chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như đổi mới phương thức quản lý đang là đòi hỏi cấp bách.
Tại Đồng Nai, trước đây, số lượng doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, vài năm gần đây, tình hình ngày một phức tạp. Hàng loạt doanh nghiệp vắng chủ bỏ lại cho ngành chức năng không ít hệ lụy, khó xử lý.
Đại diện Công ty KL Texwell Vina (Đồng Nai) thuyết phục người lao động chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
65 dự án vắng chủ Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, lũy kế đến nay, trên địa bàn có 65 trường hợp doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn, không liên lạc được. Con số này chiếm 5% trong tổng số 1.154 doanh nghiệp FDI đang hoạt động; số vốn của các doanh nghiệp này khoảng hơn 200 triệu USD, chiếm 1% tổng số vốn FDI tỉnh đã thu hút.
Doanh nghiệp vắng chủ sử dụng gần 4.700 lao động, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc. Nhà đầu tư bỏ trốn phần lớn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, liên doanh Nhật Bản - Đài Loan (Trung Quốc), với ngành nghề chủ yếu là sản xuất, gia công hàng may mặc, đồ gỗ, linh kiện xe máy. Doanh nghiệp vắng chủ đa phần thuê nhà xưởng để hoạt động. Khi vào Việt Nam họ không đầu tư máy móc, trang thiết bị mới, mà đi thuê hoặc sử dụng máy móc, trang thiết bị cũ phục vụ sản xuất.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hệ lụy khi nhà đầu tư bỏ trốn vô cùng lớn, bởi khi rời đi họ còn nợ bảo hiểm, thuế, lương và chế độ khác của người lao động. Điều này gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều công nhân, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Hơn 10 năm trước, Công ty KL Texwell Vina (100% vốn Hàn Quốc) đến Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mở nhà máy sản xuất hàng may mặc và hoạt động tốt. Đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này vẫn xuất, nhập hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, tối 8/2/2018, ông Chang Jeen Kim, Tổng Giám đốc Công ty KL Texwell Vina, cùng 11 cán bộ quản lý công ty âm thầm rời Việt Nam về Hàn Quốc khi còn nợ gần 14 tỷ đồng tiền lương tháng 1/2018 của hơn 1.900 công nhân, nợ khoảng 20 tỷ đồng bảo hiểm, thuế.
"Việc lãnh đạo công ty bỏ đi khi chưa thực hiện nghĩa vụ với người lao động khiến công nhân bức xúc, tập trung đòi quyền lợi. Ngành chức năng Đồng Nai phải lập tổ công tác, dùng nhiều cách nhưng vẫn không liên lạc được với lãnh đạo doanh nghiệp. Tỉnh phải tạm ứng ngân sách để chi 50% lương tháng 1, đóng bổ sung bảo hiểm cho công nhân", ông Nhơn dẫn chứng.
Tổ công tác giải quyết vấn đề liên quan Công ty KL Texwell Vina cho hay, công ty này hiện chỉ có nhà xưởng với máy móc, trang thiết bị cũ và khoảng vài container hàng, với giá trị tài sản không cao.
Ngoài Công ty KL Texwell Vina, các doanh nghiệp FDI khác ở Đồng Nai như: Công ty TNHH quốc tế APL (Khu công nghiệp Gò Dầu), Công ty TNHH K. Y. Seritech Việt Nam (Khu công nghiệp Amata), Công ty nhựa Richway (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) cũng "mất tích" khi chưa thực hiện xong nhiều nghĩa vụ ở Việt Nam. Trước khi rời đi, một số doanh nghiệp âm thầm chuyển máy móc giá trị ra ngoài. Khi người lao động, ngành chức năng phát hiện thì đã muộn. Họ bỏ đi để lại tài sản ít ỏi, không bù đắp được các khoản nợ.
Loay hoay tìm hướng xử lý Theo ông Mai Văn Nhơn, năm 2014 trở về trước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũ không quy định về xử lý dự án vắng chủ, nên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai phải tự rà soát, tìm mọi biện pháp liên lạc với chủ đầu tư; khi không có kết quả thì phối hợp với các cơ quan và tòa án để phân loại, tự xử lý.
Khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, Ban Quản lý tiến hành các bước xử lý dự án vắng chủ, sau 12 tháng xóa tên dự án. Luật quy định thời gian xóa tên dự án dài như trên là muốn doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoạt động trở lại, nhưng điều này lại gây khó khăn trong xử lý các vấn đề về quan hệ lao động. Công nhân khó tìm việc làm mới, vì không chấm dứt được hợp đồng lao động (do chủ doanh nghiệp rời đi).
Hiện Luật Đầu tư không quy định xử lý tài sản của doanh nghiệp ngừng hoạt động do vắng chủ. Luật Dân sự và một số văn bản dưới luật có quy định điều này, nhưng chỉ đề cập việc quản lý mà không quy định về xử lý tài sản. Nếu theo Luật Phá sản, tài sản doanh nghiệp vắng chủ sẽ xử lý được, nhưng quá trình này rất phức tạp, rất lâu.
Đơn cử, người lao động hoặc các chủ nợ phải kiện ra tòa án; trong khi đó, lao động Việt Nam chưa bao giờ khởi kiện những trường hợp này và chủ nợ của doanh nghiệp FDI đa phần ở nước ngoài. Từ bất cập trên, ngành chức năng không xử lý được tài sản vắng chủ.
"Ở Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp chủ đầu tư bỏ đi đã lâu, tòa án đã xử, nhưng chỉ có thể giao nhà xưởng, máy móc cho đơn vị khác quản lý. Không biết có căn cứ để xử lý tài sản của họ. Có trường hợp, ngành chức năng đã phải “xé rào”, giải quyết các vấn đề liên quan khi doanh nghiệp mất tích, như tạm ứng lương cho công nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không có quy định trong luật", ông Nhơn chia sẻ.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai khẳng định, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định nào để xử lý doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn. Muốn phá sản các doanh nghiệp này phải tiến hành các thủ tục rườm rà. Chủ doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, trong khi họ đã bỏ đi, không liên lạc đươc. Ngoài ra, ngành chức năng phải mời chủ nợ đến làm việc, đàm phán, chủ nợ đồng ý tòa án mới cho phá sản. Điều này cũng khó vì chủ nợ doanh nghiệp vắng chủ ở nước ngoài. Nếu giải thể thì phải họp các chủ nợ, xây dựng phương án trả nợ, được chủ nợ đồng ý thì sau 5 năm mới giải thể được.
Nhà nước đã dành cho doanh nghiệp FDI nhiều ưu đãi. Điều 9, Luật Đầu tư 2014 quy định đảm bảo tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Điều khoản này không đặt ra bất cứ ngoại lệ nào. Như vậy, tài sản của họ để lại vẫn nguyên vẹn, nhà nước không xử lý được dù doanh nghiệp còn nhiều khoản nợ. Đây chính là một trong những bất cập lớn cần sớm tháo gỡ.