Những ngày này, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (người sáng lập Công ty Hana Eco Chain, thành phố Đà Lạt) đang rất phấn khởi để chuẩn bị những việc cần thiết cho việc ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa với doanh nghiệp ở Ấn Độ. Bởi trước đó, trong cuộc tham quan, làm việc mới đây của đoàn doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Lâm Đồng, công ty của chị Hoàng Anh đã ký được 3 bản hợp đồng nguyên tắc hợp tác cung cấp và tiêu thụ sản phẩm với các đối tác.
Theo chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, Ấn Độ là thị trường mới mẻ, trước đây đơn vị chưa từng tìm hiểu hay xúc tiến thương mại với đối tác ở quốc gia này. Tuy nhiên, sau khi có cơ hội gặp gỡ, chị nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng của người Ấn Độ đang dịch chuyển theo hướng chăm sóc sức khỏe.
"Họ rất quan tâm đến ngành hàng thực phẩm hữu cơ, sản phẩm organic, thân thiện với môi trường mà đây lại là những sản phẩm là thế mạnh của công ty chúng tôi", chị Hoàng Anh cười nói.
Ngoài Hana Eco Chain, trong chuyến thăm và làm việc của đoàn 40 doanh nghiệp Ấn Độ, hàng chục công ty, đơn vị khác trên địa bàn Lâm Đồng cũng ký kết được nhiều hợp đồng nguyên tắc về việc hợp tác giữa hai bên; trong đó, phần lớn là những hợp tác về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trà, cà phê, hạt mắc ca, rau củ, tơ lụa và dịch vụ du lịch. Đây chính là một khởi đầu thuận lợi cho doanh nghiệp giữa hai bên trong việc hợp tác có lợi trước mắt và lâu dài.
Ông Amandip H Singh, Giám đốc Công ty AD Overseas (Ấn Độ) nhận định, những sản phẩm nông nghiệp mà ông được khám phá, tìm hiểu ở Lâm Đồng có chất lượng rất tốt. Đây chính là cơ hội cho ông tìm được đối tác để nhập khẩu hàng hóa cho công ty và cho người dân Ấn Độ.
Ngoài ra, với thế mạnh về phát triển giải pháp bảo quản thực phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, ông Amandip H Singh hy vọng sẽ được hợp tác với doanh nghiệp ở Lâm Đồng để cung cấp sản phẩm của công ty trong thời gian tới.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện gần cán mốc 12.000 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 145.000 tỷ đồng với khoảng 120.000 lao động; trong đó, có 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp bình quân 10 - 12%/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch là các ngành nghề tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng và hầu hết những đơn vị hoạt động trong lình vực này có đầy đủ điều kiện đối với những đối tác lớn như Ấn Độ. Việc hợp tác sẽ giúp hai cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và phát triển kỹ năng mới, đồng thời có thể giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cho cả hai bên.
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Quốc gia này cũng có thế mạnh to lớn trong các lĩnh vực như ô tô, dược phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, dệt may, hóa chất, ngân hàng, tài chính, kỹ thuật và công nghệ thông tin. Với dân số lớn nhất thế giới, Ấn Độ cung cấp một thị trường khổng lồ cho Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Tính riêng trong năm 2022, về hợp tác thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ như cà phê nhân với giá trị xuất khẩu 2,57 triệu USD; tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa với giá trị xuất khẩu 38,2 triệu USD; boxit nhôm với giá trị xuất khẩu 32,2 triệu USD. Dự kiến, các con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận xét, việc hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng với Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Lâm Đồng là một vùng đất giàu tiềm năng, có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, những doanh nhân Ấn Độ đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và giao thương. Đặc biệt, trong tương lai kỳ vọng Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ.
Trước đó, phát biểu tại Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp Ấn Độ diễn ra tại thành phố Đà Lạt, Ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, Lâm Đồng là một địa phương có thế mạnh về nông sản và du lịch.
Ông mong muốn mời các doanh nghiệp của cả hai bên trao đổi với nhau và tìm hiểu các mối quan tâm về kinh doanh và hợp tác. Đồng thời, mời các công ty nông sản của tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ tìm hiểu đầu tư và kinh doanh với các đối tác Ấn Độ.
Chương trình kết nối giao thương là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương và Ngài Madan Mohan Sethi chắc chắn rằng hai bên sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tổ chức nhiều sự kiện thành công trong tương lai.