Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ tác động của việc tăng thuế suất đối với rượu, bia.
Doanh nghiệp rất lo lắng vì khó chồng khó
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia.
Về thuế suất TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, thành viên Ban Điều hành Sabeco cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thành đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trong khi giá bán ra không tăng tương ứng, tiêu thụ chậm lại do kinh tế khó khăn cùng với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP khiến các doanh nghiệp sản xuất ngành bia, rượu hết sức khó khăn. Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB thời điểm này, doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh khó chồng khó.
Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị, tạm thời ổn định chính sách thuế TTĐB, lùi thời điểm sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất đến năm 2025 để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi
“Cần hài hòa các lợi ích của Nhà nước (điều tiết tiêu dùng, tăng thu Ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững), của doanh nghiệp (không gây ảnh hưởng lớn, tạo tính ổn định) và người tiêu dùng (bảo vệ vệ sức khỏe)”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA đề xuất.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại: Từ năm 2010 - 2018, mức thuế suất TTĐB đã tăng liên tục từ mức 45% (năm 2010) lên đến 65% (năm 2018). Nếu tiếp tục tăng thuế sẽ dẫn đến giá bán sẽ cao hơn, đẩy người tiêu dùng chuyển sở thích của họ trở lại với các sản phẩm có cồn phi chính thức...
Cần lộ trình sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, phương pháp tính thuế trong dự thảo thay đổi một chút đối với thuốc lá, còn rượu, bia chưa thay đổi. Về nguyên tắc sửa đổi thuế là phải hài hòa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và sửa đổi luật phải trúng. Điều quan trọng phải đảm bảo được sự công bằng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Do đó, cần đánh giá kỹ ảnh hưởng người tiêu dùng. Liên quan đến dự thảo luật, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá, rà soát dự án luật. Mỗi phương pháp tính thuế có ưu và nhược điểm khác nhau.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Lần nào sửa Luật TTĐB, các doanh nghiệp rất quan tâm, sốt sắng bởi vì nó tác động trực tiếp đến ngành hàng. Ngành đồ uống đang chịu đang chịu tác động lớn của quy định pháp luật như Nghị định 152/2019.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có lẽ là chưa phù hợp. Mổ xẻ vào quy định thì việc lựa chọn chính sách không hề dễ dàng. Đối với nước uống đại mạch, hồ sơ dự thảo luật đang mâu thuẫn. Triết lý về điều chỉnh hành vi đang chưa rõ. Cho nên, doanh nghiệp đặt vấn đề liệu gốc rễ liệu rằng điều chỉnh sắc thuế ở đây có phải là dành cho nguồn thu hay không.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp rượu, bia về việc hoãn sửa luật đến ít nhất hết năm 2025, bà Lê Thùy Linh, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc sửa Luật Thuế TTĐB là theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“Hiện dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB đã trình Chính Phủ và đang ở khâu lập đề nghị. Bộ đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và thông qua, phê duyệt”, đại diện Bộ Tài chính nêu.
Tính đến từng loại sản phẩm, không thế đánh giá chung chung
Về việc đánh giá toàn diện về sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ông Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ mong muốn cơ quan tham mưu soạn thảo nên đánh giá sự cần thiết một cách kỹ lưỡng theo cái cách không phải là sự cần thiết nói chung của việc sửa đổi luật mà sự cần thiết tính này phải tính đến từng loại sản phẩm, không thế đánh giá chung chung.
“Về câu hỏi khi nào có sự thay đổi về mặt nội dung về thuế suất, phương pháp đánh thuế. Theo tôi chúng ta phải có công thức để quyết định khoảng thời gian bao lâu. Thời gian này bằng thời gian doanh nghiệp bị tác động có thể duy trì sản xuất kinh doanh cộng với thời gian cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh nếu như có sự thay đổi luật”, ông Phan Đức Hiếu nêu.
Đặc biệt, khi ban hành một văn bản pháp luật cần lưu ý việc không làm ảnh hưởng đến việc cạnh tranh lành mạnh của các nhóm doanh nghiệp khác nhau, không được đưa ra sự bất lợi trong việc cạnh tranh.