Song với sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp cùng sự linh hoạt, sáng tạo, mỗi ngành hàng đã có những con đường riêng vượt qua khó khăn.
TTXVN đã ghi lại những chia sẻ của đại diện hiệp hội, doanh nghiệp về những thách thức cũng như cơ hội của ngành trong gần 1 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long): Thị trường xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng
Năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID-19. Ước tính, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV xuất khẩu được khoảng 30.000 tấn gạo trong năm nay, giảm từ 30-35% so với năm 2019. Điều này nằm trong tính toán của công ty nhằm giảm tỷ lệ rủi ro trước những tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam hiện khá khởi sắc. Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia… đã có thêm nhiều trị trường mới như: Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU… Trong 2 tháng gần đây giá xuất khẩu gạo cao kỷ lục, giá gạo thơm khoảng 570 USD/tấn, cao hơn so với trước đây chỉ 520-540 USD/tấn.
Nhưng hiện không có lượng gạo lớn để bán dù nhiều khách hàng liên hệ. Nguyên nhân là do đợt xâm nhập mặn vừa qua đã ảnh hưởng đến vụ lúa Thu Đông ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó lúa bị kém chất lượng, không thể xuất khẩu. Mặt khác, giá lúa gạo tăng sẽ tốt cho nông dân, nhưng nếu mua với giá cao mà bán với giá xuất khẩu ký thấp trước đây, doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Dự báo, thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng, từ nay đến năm 2025 giá gạo xuất khẩu sẽ tăng từ 15-20%. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung gạo thế giới bị hạn chế. Cụ thể, nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu lớn sẽ tăng do dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước xuất khẩu khác như: Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ bị sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ lụt... Mặt khác, việc nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái ngày càng nhiều do thu nhập từ trồng lúa không cao cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bị hạn chế.
Bên cạnh đó, việc gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đã làm cho nhiều khách hàng mới tìm đến gạo Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực khi những năm gần đây Việt Nam đã có được giống lúa chất lượng cao, được thế giới công nhận. Không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà cả người Việt Nam cũng ngày càng ưa chuộng các loại gạo thơm, chất lượng cao.
Tuy nhiên, để nâng cao tính cạnh tranh vào đảm bảo giá trị của hạt gạo Việt, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thực hiện tốt việc bảo hộ cho giống lúa ST25. Trong đó, tăng cường quản lý, chống hàng giả và phải xử lý thật nghiêm nếu phát hiện vi phạm nhằm bảo hộ tốt thương hiệu. Bên cạnh đó, một điều rất cần thiết là các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng trồng cụ thể, hợp lý cho hạt gạo ngon Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và đạt năng suất cao.
Mặt khác, Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi tư duy sản xuất, không nên chạy sản lượng mà chuyển sang nâng chất lượng và giá trị, một số địa phương nên chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm. Đối với các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn cần chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm… đạt hiệu quả cao.
Các bộ, ngành, Đại sứ quán cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư để kết nối cung cầu, tìm hiểu khách hàng, tiếp cận các nhà phân phối, siêu thị, chợ nông sản lớn… nhất là ở các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu để thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy mở rộng thị trường này.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas): Ngành điều nỗ lực giữ vững ngôi đầu thế giới
Ngành điều Việt Nam đang đứng trước những thời cơ phát triển nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới. Việt Nam đang đứng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, sự cạnh tranh trong ngành điều thế giới đang ngày càng khốc liệt hơn. Nhiều quốc gia khác như Ấn Độ và các nước châu Phi có nguồn cung điều thô lớn đang nỗ lực “trỗi dậy”, đẩy mạnh chế biến để khẳng định vị thế.
Tiếp đó, nhân điều Việt Nam có uy tín, thị trường rộng, là nền tảng quan trọng nhưng đây vẫn chỉ là nguyên liệu sơ chế cho các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá 10 USD/kg, trong khi nhân điều thành phẩm bán ở siêu thị các nước có giá khoảng 30 USD/kg. Như vậy Việt Nam mới chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế.
Một vấn đề khác của ngành điều Việt Nam đó là khâu chế biến phát triển mạnh mẽ, thị trường rộng mở, nhưng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu phần lớn điều thô để chế biến, nhiều nhất là từ châu Phi. Trong khi đó, mọi giao dịch xuất, nhập khẩu phải thông qua trung gian nên luôn bị động về giá.
Nghịch lý là chất lượng hạt điều trong nước tốt hơn nhiều so với điều thô nhập khẩu, điều trồng tại Việt Nam cũng được các nhà nhập khẩu đánh giá là ngon nhất thế giới và tìm mua với giá cao hơn nhưng nhiều năm gần đây, diện tích điều trong nước có xu hướng xu giảm. Năm 2007, diện tích điều cả nước đạt gần 440.000 ha nhưng đến năm 2019 chỉ còn trên 308.000 ha; trong đó diện tích cho hạt chỉ trên 290.000 ha. Diện tích điều suy giảm chủ yếu do đất trồng điều bị đô thi hóa và không cạnh tranh được với các loại cây trồng khác.
Để giữ vững vị thế của mình, Vinacas đang xúc tiến xây dựng chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới với hai mục tiêu: Phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới, nắm giữ nhiều hơn trong chuỗi giá trị điều thế giới; phát triển vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu cho chế biến, góp phần thành công cho chính sách tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) của nhà nước, cải thiện đời sống cho người nông dân trồng điều.
Về chế biến, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về làm chủ thiết bị, máy móc, có thể lựa chọn tiếp tục đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều hoặc vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, nâng cao vị thế điều Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.
Về nguyên liệu, nhà nước cần quy hoạch lại đất nông nghiệp để tăng diện tích vùng trồng điều. Đồng thời phải nâng cao năng suất và cải tạo, phát triển các giống điều để giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân yên tâm mở rộng diện tích và canh tác lâu dài.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc (Bình Dương): Cơ hội từ hiệp định thương mại tự do
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến các quốc gia ngừng hoạt động giao thương làm các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hóa tại thị trường của họ. Chính vì vậy, khi có thông báo thông quan, các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu đồ gỗ nước ngoài đã nhanh chóng đặt hàng với các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
Trước đây, nhà nhập khẩu đặt hàng theo tháng hoặc theo quý, doanh nghiệp Việt Nam giao hàng đều đặn, thì hiện nay, để ứng phó dịch bệnh mà vẫn có hàng cung ứng nhu cầu thị trường, các nhà nhập khẩu đã tăng đơn hàng lên gấp 3 lần. Điều này cho thấy, ngành gỗ Việt Nam nói chung, ngành chế biến gỗ Bình Dương nói riêng đã tìm được cơ hội lớn trong khó khăn này.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhập khẩu đồ gỗ nước ngoài tăng đơn hàng trong khoảng thời gian ngắn vừa là cơ hội vừa là khó khăn cho doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định. Bởi, khi lượng hàng tăng, cũng đồng nghĩa với tăng hiệu suất làm việc trong cùng đơn vị thời gian. Đối với ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động có tay nghề thành thạo để “tăng tốc”.
Với nhu cầu tiêu dùng thế giới và nhu cầu dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài tăng đã thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 11 tỷ USD. Thêm vào đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tăng vọt. Ước tính, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2020, lượng xuất khẩu đồ gỗ của doanh nghiệp sang thị trường châu Âu tăng gấp 2 lần so với trước đây.
Trong tương lai, khi Hiệp định này được thực hiện nghiêm ngặt và ổn định, lượng hàng hóa từ gỗ của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu sẽ tăng từ 3 đến 4 lần so với trước khi có hiệp định.