Theo bài báo, Việt Nam dường như là điểm sáng kinh tế duy nhất ở châu Á nhờ cân bằng rất tốt giữa vấn đề bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2020, ngay cả khi các nước láng giềng đang phải “vật lộn” để phục hồi từ khủng hoảng.
Cùng chung nhận định trên, báo Nikkei Asia của Nhật Bản nhấn mạnh cho đến nay, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Xuất khẩu tăng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu trong tháng 10 đã tăng 9,9% lên 26,7 tỷ USD.
Bài báo nêu rõ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã kiềm chế tác động của dịch bệnh ở mức tối thiểu. Tính đến ngày 1/12, Việt Nam ghi nhận 1.351 ca mắc COVID-19, trong đó 1.195 trường hợp hồi phục và 35 ca tử vong. Chỉ sau 3 tuần phong tỏa vào tháng 4, Việt Nam đã khôi phục các hoạt động sản xuất, nhanh hơn các nước khác trong khu vực. Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chỉ thực hiện phong tỏa ở những khu vực thực sự là “điểm nóng”. Kết quả là, rất ít lao động mất việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến đạt 3.498 USD trong năm 2020.
Ông Sonny Africa, Giám đốc điều hành Ibon Foundation (tổ chức nghiên cứu, giáo dục và phát triển thông tin phi lợi nhuận có trụ sở tại Philippines), cho rằng có lẽ chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng hiện nay là cách Việt Nam “ứng phó với đại dịch để giữ cho nền kinh tế phát triển”.
Theo ông Sonny Africa, Việt Nam mở cửa nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo “quyền sở hữu nhà nước và kiểm soát các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, viễn thông, đường sắt, hóa chất, nước, dầu, điện, xi măng, thép và các ngành công nghiệp nặng khác cũng như lĩnh vực ngân hàng và tài chính". Ông nhận định Việt Nam coi đầu tư nước ngoài là động lực để phát triển quốc gia, do đó tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ và bền vững.
Trong 3 năm qua, Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao.
Theo Nikkei, trong năm 2020, trước khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết và trước khi các công ty sản xuất ở nước ngoài chuyển hoạt động sang Việt Nam, các cam kết FDI vào Việt Nam ước tính đạt 38 tỷ USD, cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.