Điểm tựa để phục hồi kinh tế Việt Nam

“Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, thì bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng. Thế ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững, đó là đổi mới thể chế mạnh mẽ, thúc đẩy hội nhập và chuyển đổi số”.

Đó là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại  “Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI tổ chức chiều 24/11.

Video ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ về 3 điểm tựa của nền kinh tế Việt Nam năm 2021:

TS Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch COVID-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới ngày càng trở nên bi quan hơn.

Tuy vậy, theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay. 

“Năm 2020, Việt Nam duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2021.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt: Doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm...

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: “Dịch COVID-19 đã tác động xấu đến gần như tất cả các ngành. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì năng lượng để khi cơn bão dịch đi qua, các doanh nghiệp có thể lại vươn lên mạnh mẽ”.

"Điểm tựa để phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới là sản xuất và xuất khẩu,  đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các lĩnh vực có lợi thế so sánh, cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giầy, thuỷ sản, nông sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục là xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, gắn với chuyển đổi số, công nghệ sẽ chi phối mạnh mẽ”, TS Võ Trí Thành nhận định.

Thu Trang/Báo Tin tức
Truyền thông quốc tế lý giải nguyên nhân kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương
Truyền thông quốc tế lý giải nguyên nhân kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương

Trang tin asiatimes.com vừa đăng bài viết khẳng định Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 bất chấp sự sụp đổ toàn cầu về thương mại, du lịch, đầu tư do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời chỉ ra những yếu tố quan trọng đứng sau thành công này của Việt Nam. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN