Điều chỉnh kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội khôi phục kinh tế

Từ ngày 14-15/9, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cũng như duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy. 

Hội nghị này được tổ chức trực tuyến với một điểm cầu là lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và các điểm cầu còn lại là đại diện lãnh sự quán, hiệp hội, doanh nghiệp đến từ các nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị có 3 buổi họp bao gồm: sáng 14/9, chiều 14/9 và sáng 15/9 với các nhóm họp theo khu vực, nhà đầu tư: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan và các doanh nghiệp Việt Nam. Sáng 14/9, hội nghị có sự tham dự của 2 nhóm doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo diện “hẹp” đối với khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Với kết quả kiểm soát dịch, tiếp tục mở cửa lại nền kinh tế tương ứng bảo đảm tính linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế tại từng thời điểm. Tỉnh sẽ tập hợp, đánh giá ý kiến đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời nhằm không bỏ lỡ cơ hội khôi phục, phát triển kinh tế. 

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thông tin, theo kế hoạch được duyệt, trong quý IV/2021, lượng vaccine cấp cho tỉnh sẽ tiêm đủ cho 95% dân số của tỉnh từ 18 tuổi trở lên.

Tại hội nghị này, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho hay, nếu những quy định hiện nay không được nới lỏng, việc hoàn thành cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quy định này không chỉ gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế do gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp đang hoạt động muốn rút vốn đầu tư mà còn ảnh hưởng xấu đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đang quan tâm đến địa phương.

Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh thông tin, thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", cố gắng duy trì sản xuất cũng như thực hiện triệt để các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hai tháng qua, chi phí trang thiết bị để duy trì sản xuất "3 tại chỗ" tăng cao, đặc biệt tại các doanh nghiệp có đội ngũ lao động lớn. Trong số đó, chi phí như xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần cho toàn bộ người lao động đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, sự mệt mỏi của nhân viên cả về thể chất lẫn tinh thần cũng đã đạt đến giới hạn. Nếu tình trạng người lao động không được phép về thăm nhà, doanh nghiệp không được thay đổi nhân sự hoặc việc đi về làm việc không được chấp thuận thì tình huống xấu nhất là các doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất.

Trong khi đó, việc tiêm chủng vốn là biện pháp tối ưu để phòng, chống dịch lại chỉ mới được triển khai giới hạn, người lao động của nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa được tiêm vaccine. Đối với trường hợp chuyên gia, lao động kỹ thuật tạm trở về Nhật Bản để tiêm chủng sau đó quay trở lại Việt Nam thì gặp nhiều khó khăn trong vấn đề gia hạn giấy phép lao động, khó khăn khi xin tái nhập cảnh...

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, những vấn đề trên cũng là tình trạng chung đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Về phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động. Đối với phương án sản xuất "3 tại chỗ", các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng không thể kéo dài và đề nghị tỉnh chấp thuận cho người lao động thực hiện đi làm bằng xe máy theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến". Hiện nay, tỉnh có nhiều “vùng xanh” nên cần nới lỏng các quy định ở những vùng này cho người lao động.

Ngoài ra, hiệu lực của giấy xét nghiệm hiện rất ngắn nên cần điều chỉnh giữa 2 lần test đối với đối tượng thường xuyên tiếp xúc với người bên ngoài và người không tiếp xúc để giảm bớt tốn kém cho doanh nghiệp.

Mặt khác, việc ban hành các văn bản, quy định cần đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị; các thủ tục gia hạn giấy phép lao động, xin visa cho các chuyên gia rất gắt gao nên cần được tỉnh xem xét; đồng thời, xem xét sự đồng bộ thồng tin trong việc lập danh sách người lao động giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: ban quản lý các khu công nghiệp, công an, công đoàn...

Tính đến ngày 13/9/2021, tỉnh có 3.822 người mắc COVID-19; trong đó, có 3.078 bệnh nhân được chữa khỏi, chiếm 82,17%; 35 người tử vong, chiếm 0,91%. Tỉ lệ đã tiêm mới chỉ đạt 31,37% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tin, ảnh: Mạnh Dương (TTXVN)
Bà Rịa-Vũng Tàu: Các địa phương thực hiện Chỉ thị 15 được mở lại một số hoạt động
Bà Rịa-Vũng Tàu: Các địa phương thực hiện Chỉ thị 15 được mở lại một số hoạt động

Ngày 12/9, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ký ban hành Công văn số 12538/UBND-VP cho phép 4 địa phương "vùng xanh" gồm Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo (nơi đang thực hiện dãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg) được mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ ngày 15/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN