Tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ được phép mở lại một số hoạt động sản xuất. Với các cơ sở sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện, người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc nếu có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp và xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần.
Điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển người lao động, lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký.
UBND các huyện thực hiện các giải pháp duy trì ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Người lao động, nông dân đi lao động, sản xuất ngoài địa bàn xã, thị trấn cư trú phải đăng ký và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản được hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch theo quy định.
Về hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch, các loại hình được phép hoạt động kinh doanh trở lại khi đảm bảo quy định về phòng, chống dịch gồm: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trước khi hoạt động trở lại.
Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho người dân, người giao hàng là nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn.
Đối với hoạt động du lịch, tỉnh cho phép thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với các khách sạn: Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo.
Các địa phương tập trung kiểm soát chặt các phương tiện vận tải và tất cả người theo xe, đảm bảo phòng chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến, các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào của các huyện.
Các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện. Chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình.
Các huyện cho phép một số nhà ở dân dụng đang xây dựng dở dang có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng tiếp tục triển khai với số lượng công nhân dưới 10 người, sử dụng người lao động là người dân sinh sống trên địa bàn huyện và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.
Huyện Côn Đảo tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 12464/UBND-VP ngày 8/9 về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính tới 18 giờ ngày 12/9, toàn tỉnh ghi nhận 3.796 ca mắc, trong đó 3.380 ca đã khỏi bệnh, đạt tỷ lệ 80,8%.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh đề nghị, các địa phương “vùng xanh” không được chủ quan lơ là, cần phải tổ chức kiểm soát, quản lý chặt chẽ các cửa ngõ ra vào địa bàn và các khu vực giáp ranh, khi phát hiện dịch bệnh phải nhanh chóng triển khai các biện pháp thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để nhất; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn, nâng cao trách nhiệm của mỗi xã, phường thật sự là một “pháo đài”, mỗi người dân thật sự là một “chiến sĩ” và sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.