Điện Biên cần đa dạng hóa các ngành nghề từ tiềm năng sẵn có

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đang triển khai thực hiện 2 nội dung chính là “Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp” và “Tái cấu trúc đầu tư”.

Xuất hàng tại Công ty CP xi măng Điện Biên. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN


Là một tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu tham gia ngành nghề xây dựng, thiếu vắng những ngành nghề sản xuất – kinh doanh hàng hóa, dịch vụ du lịch, tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay đang gây khó khăn rất lớn cho các thành phần kinh tế địa phương.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tỉnh Điện Biên hiện có 754 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động, trong đó có tới trên 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, được coi là lĩnh vực “chuyên tiêu tiền ngân sách”. Tính từ năm 2008 đến nay, đã có 85 doanh nghiệp giải thể, phá sản, 26 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp có qui mô nhỏ.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là hầu hết những doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Do chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, các chủ đầu tư không thanh toán được vốn cho doanh nghiệp, trong khi những đơn vị này đều hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng, phải huy động vốn với lãi suất thương mại cao (từ 9% trở lên). Khá nhiều doanh nghiệp lại sử dụng vốn vay để đầu tư ban đầu như mua sắm máy móc thiết bị, mua tài sản cố định chứ không đầu tư hoàn toàn vào sản xuất; còn việc làm lại thiếu ổn định, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trường vốn. Bên cạnh những trường hợp trên, tỉnh Điện Biên cũng đã ra quyết định buộc dừng hoạt động 33 doanh nghiệp khác do vi phạm pháp luật, kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký. Trong số 33 doanh nghiệp này có nhiều doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại địa phương, song không có bất cứ hoạt động gì trên địa bàn.

Mũi nhọn là đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước

Ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh cho biết: Nền kinh tế của tỉnh Điện Biên vốn chưa đa dạng, phong phú nên thực tế chưa có gì để tái cấu trúc. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã tiến hành đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Từ 42 doanh nghiệp, qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa giảm xuống còn 17 doanh nghiệp, chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần.

Hiện ngành đang tham mưu cho tỉnh chuyển 3 doanh nghiệp gồm Công ty Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH thủy nông Điện Biên, Công ty TNHH cấp thoát nước sang hình thức công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước do việc cổ phần hóa khó khăn, lượng vốn và tài sản cố định quá lớn... Lộ trình từ nay đến 2015 sẽ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước 11 doanh nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo Chỉ thị 1792 của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã tiến hành rà soát kế hoạch phân bổ vốn trong các chương trình mục tiêu như vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ nhằm loại bỏ các danh mục khởi công mới, tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành và tiếp chi. Với số vốn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn thu từ đất đai, tỉnh đang rà soát các công trình còn nợ các doanh nghiệp để tập trung thanh toán, không phê duyệt khởi công dự án mới.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Sáng: Căn cứ vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp giai đoạn hiện nay thì đến năm 2012, khá nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, trong đó chủ yếu là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, những người quản lý doanh nghiệp cần nắm bắt tình hình để đề ra chiến lược kinh doanh mới cho mình. Có thể phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để chuyển hướng sản xuất, cụ thể là các tiềm năng thế mạnh về đất đai, khoáng sản, dịch vụ du lịch, sản xuất thủy điện... Trong những năm tới, các ngành nghề sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ du lịch mới có thể quay vòng vốn nhanh, phát triển lâu dài bền vững. Các doanh nghiệp cũng cần “khám lại sức khỏe” để lượng sức mình, tham gia vào các lĩnh vực có qui mô phù hợp.

Với những đơn vị vẫn theo đuổi lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong giai đoạn thắt chặt đầu tư, cần có biện pháp liên doanh- liên kết với nhau. Chẳng hạn doanh nghiệp có năng lực về nhân lực, năng lực về thiết bị máy móc- công nghệ thì liên kết với những doanh nghiệp có công trình dự án để cùng tồn tại và phát triển. Với những đơn vị đã hoàn thành các công trình dự án, cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ để bàn giao, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình đã hợp đồng ký kết, kết thúc công việc dở dang để thu hồi vốn, tránh tình trạng nợ vốn huy động dẫn đến nguy cơ phá sản.

Chu Quốc Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN