Nhập siêu chủ yếu của khu vực doanh nghiệp trong nước Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, trong khi đó, khu vực DN đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Nhập khẩu ô tô tăng mạnh. Ảnh: Thế Anh/TTXVN. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016 nhập siêu khu vực DN trong nước đã đạt 21 tỷ USD, trong khi đó, khu vực DN nước ngoài đạt xuất siêu 23,7 tỷ USD.
Giá trị sản xuất và xuất khẩu của khu vực DN nước ngoài hiện đang đóng góp rất lớn, với hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% giá trị xuất khẩu. Khu vực này cũng đóng góp làm nhập khẩu trong nước tăng với con số khá lớn.
Tuy nhiên, tính theo chu kỳ mỗi tháng, quý và trong năm, khu vực FDI vẫn xuất siêu, điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn, giải quyết bài toán giá trị gia tăng của các DN ngoại tốt hơn DN trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nhập siêu khu vực DN trong nước lớn và lấn át DN ngoại là hiện trạng đáng lo của nền kinh tế, nó chỉ ra nhiều vấn đề như: hiệu quả của bài toán đầu tư thấp, lệ thuộc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu sản xuất từ các thị trường khác khiến giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm sút…
Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu tăng mạnh 2 tháng đầu, cả nước nhập khẩu hàng hóa ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Lý giải về mức nhập khẩu tăng cao, Bộ Công Thương cho rằng, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các DN cả trong nước và DN FDI bắt đầu vào kỳ sản xuất của năm 2017, do vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh cũng được tăng cao so với các tháng trước đây.
Với diễn biến này, nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, 2 tháng đầu năm 2017 tăng 20,3%. Mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đây là dấu hiệu khả quan cho hoạt động sản xuất của năm 2017 ở cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có mức tăng trưởng tương đối cao, lần lượt là 22,7% và 10,7%, trong đó tăng cao ở nhóm hàng tiêu dùng rau quả (67,1%) và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (96,6%)...
Trong đó, theo phân tích của Bộ Công Thương, đối với mặt hàng ô tô, nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng nhập khẩu từ ASEAN thuế suất thuế nhập khẩu xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Nhập khẩu hoa quả tăng mạnh từ Thái Lan và Trung Quốc do thuế suất trong khu vực ASEAN ngày càng giảm…
Do đó, về chính sách điều hành xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Cần thường xuyên rà soát, tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp đối với những mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến nhằm đảm bảo kiểm soát nhập khẩu và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước.
Nhập khẩu từ các nước “hàng xóm” tăng tốcTrong tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước, nhập khẩu từ châu Á chiếm 80,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29,3% và tăng 23,8% so với cùng kỳ. Thị trường Hàn Quốc chiếm 20,5% và tăng 35%. Thị trường ASEAN chiếm 13,2% và tăng 19,5%. Thị trường châu Âu và châu Mỹ chiếm xấp xỉ 7,7%, tốc độ tăng trưởng của thị trường Châu Âu tương đối cao tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước, thị trường Châu Mỹ tăng 14,8%.
Thực tế là, nếu không có nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… thì Việt Nam không thể đạt được mức xuất siêu sang Mỹ và EU, cũng như xuất siêu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam trong nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường Trung Quốc, thậm chí đã xuất hiện thêm Hàn Quốc là điều đáng lo ngại.
Bởi, nếu phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu thì sản phẩm cuối cùng không tạo ra giá trị gia tăng cao. Dẫn chứng rõ nhất là ngành dệt may, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 28,3 tỷ USD. Dù vậy, do hạn chế là tỷ lệ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước chưa cao, mới chỉ đạt 40%, nên mỗi năm dệt may Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 13 – 14 tỷ USD nguyên phụ liệu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
Với diễn biến nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, cần có các giải pháp về dài hạn để ổn định năng lực xuất khẩu; cần thường xuyên theo dõi biến động của thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa để kịp thời có phản ứng chính sách trước những diễn biến mới.
Theo Bộ Công Thương, cần sớm có các biện pháp quản lý nhập khẩu kịp thời, đặc biệt là đối với một số mặt hàng đang tăng nhanh trở lại là điện thoại di động, thép phế liệu, ô tô…