Chứng khoán châu Á chạm mức cao nhất 15 tháng qua
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng vì ngân hàng trung ương nước này giảm chương trình mua trái phiếu.
Phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 trong phiên sáng nay.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,46%, hay 176,60 điểm, lên 38.356,06 điểm. lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng 0,01điểm phần trăm lên 0,95%, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng lên 0,555%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, mức này vẫn còn cách vài điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, từ đó vẫn tạo áp lực đối với đồng yen.
Một cuộc khảo sát do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York công bố ngày 13/5 cho thấy người Mỹ dự đoán lạm phát trong một năm tới sẽ ở mức 3,3%, cao hơn so với mức dự báo được đưa ra cách đây một tháng.
Tâm điểm chính trong tuần này là số liệu CPI của Mỹ, vì số liệu này sẽ cho thấy liệu sự gia tăng lạm phát bất ngờ trong quý I có phải là chỉ một diễn biến tạm thời hay là xu hướng đáng lo ngại. Dự báo cho thấy chỉ số CPI lõi theo năm sẽ giảm từ mức 3,8% trong tháng Ba xuống 3,6% trong tháng Tư.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại đi xuống, và đồng NDT suy yếu, khi các thông tin về các mức thuế quan mới của Mỹ trong tuần này và số liệu tăng trưởng tín dụng yếu của Trung Quốc đã khiến tâm lý thị trường trở nên ảm đạm. Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 0,12% xuống 3.144,15 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 0,13% xuống 19.089,83 điểm.
Các nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự đoán sẽ công bố các mức thuế quan mới đối với Trung Quốc ngay trong tuần này, nhắm vào các lĩnh vực chiến lược, bao gồm cả việc tăng mạnh thuế đối với xe điện (EV).
Cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong phiên này là số liệu cho thấy hoạt động cho vay mới ở Trung Quốc giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng Tư so với tháng trước đó, trong khi tăng trưởng tín dụng chạm mức thấp kỷ lục. Số liệu này mở ra khả năng Trung Quốc sẽ có thêm các hành động để hỗ trợ nền kinh tế.
Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index tăng 3,1 điểm, hay 0,25%, lên 1.243,28 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 0,59 điểm, hay 0,25%, lên 236,95 điểm.
Giá vàng tăng trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát quan trọng
Giá vàng tại châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 14/5, khi thị trường đang đón đợi các báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến công bố trong tuần này, để có thêm manh mối về tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Vào lúc 14 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.338,78 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 2.344,70 USD/ounce.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ dự kiến công bố lúc 18 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, tiếp theo là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 15/5. Theo cuộc thăm dò của Reuters, số liệu CPI được dự báo cho thấy lạm phát lõi tăng 0,3% trong tháng Tư so với tháng trước đó, giảm so với mức 0,4% của tháng Ba, từ đó kéo tỷ lệ lạm phát hàng năm xuống 3,6%.
Ông Kelvin Wong, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại OANDA, nhận định nếu vàng giữ được trên mức 2.320-2.330 USD/ounce, đó là một dấu hiệu tích cực, có nghĩa là vàng đang có đà đi lên trong ngắn hạn. Và với lực đẩy từ số liệu CPI yếu hơn (nếu có), ông cho rằng vàng có khả năng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngắn hạn.
Báo cáo việc làm yếu và báo cáo số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ thấp hơn dự đoán vào tháng Tư được công bố tuần trước đã làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo đa số các nhà kinh tế được hãng tin Reuters thăm dò, Fed được dự đoán cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, bắt đầu vào tháng Chín.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 28,41 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,6% lên 1.002,90 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 86 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra)./.
Giá dầu châu Á ổn định
Giá dầu tại châu Á ít biến động trong phiên 14/5, khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý đến các động lực mới, trong đó có các chỉ số lạm phát sắp tới của Mỹ và báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tuần này.
Vào lúc 13 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng nhẹ 11 xu Mỹ lên 83,47 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 9 xu Mỹ lên 79,21 USD/thùng.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định giá dầu tăng nhẹ trong phiên này nhưng nhìn chung vẫn giữ xu hướng án binh trong tuần qua, khi số liệu lạm phát sắp tới của Mỹ khiến một số nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết báo cáo dầu hàng tháng của OPEC sẽ cung cấp thêm thông tin về nhu cầu dầu toàn cầu, để xem liệu dự báo lạc quan trước đó về mùa du lịch Hè có được duy trì hay không.
Thị trường cũng đang theo dõi các đám cháy rừng ở vùng phía Tây Canada, một diễn biến có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu của nước này. Hiện chưa ghi nhận sự gián đoạn này, nhưng ông Alex Hodes, nhà phân tích tại công ty môi giới năng lượng StoneX, cho biết năng lực sản xuất 3,3 triệu thùng/ngày của Canada "rất có thể sẽ bị ảnh hưởng".