Mới đây, giá điện lại tăng thêm 8,36% so với mức giá bán lẻ điện trước kia, điều này khiến nhiều sinh viên và công nhân thuê trọ trên địa bàn Thủ đô bày tỏ lo lắng giá điện thuê trọ sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao.
Qua tìm hiểu, tại một số khu vực quanh các trường đại học hay khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội, ghi nhận tình trạng khi giá điện chưa tăng, sinh viên thuê trọ đã phải trả số tiền điện gấp 1,5 - 2 lần so với quy định chung của nhà nước về việc bán điện cho sinh hoạt. Còn kể từ ngày 20/3, khi giá điện được điều chỉnh tăng lên, sinh viên và công nhân lao động tại Hà Nội càng thêm lo lắng.
Em Hoàng Phượng, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Nội Vụ cho biết, đã nhiều lần chuyển phòng trọ tại địa điểm khác nhau như quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, nhưng dù là đến trọ ở đâu thì giá điện tại những phòng trọ này đều là “giá trên trời” do các chủ trọ đề ra.
Em Phượng cho hay, trước kia em thuê trọ ở khu vực phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy). Một căn phòng nhỏ khoảng 10 - 13 m2 trong căn nhà 6 tầng, có tổng cộng là 13 phòng, mỗi phòng đều được lắp đặt một công tơ điện riêng. Ở mỗi cầu thang đi lại đều có bóng đèn dùng chung. Theo thỏa thuận, mỗi tháng chủ trọ sẽ chốt số điện một lần vào cuối tháng và nhân theo đơn giá là 5.000 đồng/kWh điện.
Với các thiết bị như nồi cơm điện, điện thoại, máy tính xách tay, quạt, máy sấy tóc trung bình mỗi tháng cô sinh viên năm thứ 3 này sử dụng khoảng 30 - 37 kWh, tương ứng phải trả từ 185.000 đồng tiền điện một tháng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành với số điện kể trên, em Hoàng Phượng chỉ phải chi trả chưa đến 70.000 đồng.
"Hiện giờ mình chuyển trọ sang khu Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) với mục đích là gần trường học hơn và mong tìm được phòng trọ với giá điện, nước hợp lý để đỡ việc chi tiêu. Tuy nhiên, tìm kiếm trong bất lực, hầu hết các nhà trọ đều thu tiền điện là 4.000 - 5.000 đồng/kWh. Nếu tìm được phòng tính giá điện đúng quy định thì an ninh lại rất đáng ngại nên đành phải chấp nhật chịu thiệt về tiền điện", em Hoàng Phượng bức xúc nói.
Cùng chung cảnh ngộ với Phượng có vợ chồng chị Nga, quê ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xuống Hà Nội làm thuê, mỗi tháng cũng phải chi trả khoảng 600.000 đồng tiền điện vì phòng chị có nhiều thiết bị điện như: máy giặt, tủ lạnh, tivi, máy tính...
“So với số tiền điện mà vợ chồng mình phải trả ở quê là cao hơn rất nhiều nhưng nếu phàn nàn, làm lớn việc lên thì họ không cho mình thuê nữa. Rồi lại mất thời gian, bỏ công việc để tìm kiếm phòng trọ mà chưa chắc đã tìm được phòng thu điện giá đúng quy định. Là người thuê trọ thì phải phụ thuộc vào chủ nhà thôi”, người phụ nữ hơn 30 tuổi bày tỏ.
Lo lắng về việc giá tiền điện cho thuê sẽ còn tăng lên nhiều hơn hiện tại, bạn Tố Uyên, sinh viên năm cuối trường Đại Học Lao động và Xã hội than thở: “Giờ mình đang thuê trọ với giá 5.000 đồng một kWh tại Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy) với căn phòng khá chật hẹp. Mùa nóng quạt bật cả ngày nên sử dụng tới 40 kWh, tương đương khoảng 200.000 đồng/tháng. Trong khi mùa hè năm nay, dự báo nắng nóng hơn, giá điện sẽ bị chủ nhà thu cao hơn nữa, không biết mình sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho một tháng dùng điện", Tố Uyên lo lắng.
Từ ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành trước đó (1.720,65 đồng/kWh).
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, thời gian qua ngành điện Thủ đô đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát 13.543 khách hàng có nhà cho thuê để ở với tổng số 94.023 phòng trọ. Theo đó, EVN HANOI đã yêu cầu được 13.484/13.543 khách hàng có nhà cho thuê ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng giá quy định. Mặt khác, EVN HANOI đã niêm yết công khai quy định, thủ tục, phương pháp tính định mức giá bán điện tại nhiều khu nhà trọ, khu chế xuất, khu công nghiệp để người lao động, người thuê nhà nắm bắt thực hiện.
“Trong trường hợp người thuê nhà bị thu tiền điện giá cao hơn so với quy định, có thể điện qua số điện thoại 19001288 (phục vụ 24/7) để được giải quyết theo đúng các quy định của Nhà nước”, EVN HANOI khuyến cáo.
Tuy nhiên, với chức năng của mình, EVN HANOI không đủ thẩm quyền để xử phạt đối với chủ nhà trọ ăn chặn tiền điện của người thuê nhà. Trong trường hợp muốn xử phạt ngành điện Thủ đô phải phối hợp với chính quyền sở tại. Song trên thực tế, có quá ít số chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố bị xử phạt về hành vi vi phạm khi thu tiền điện với giá "cắt cổ" đối với việc cho thuê phòng trọ của mình.
Và như vậy, giá điện cho sinh viên, người lao động thuê trọ vẫn là một vấn đề nan giải. Đến bao giờ người thuê trọ được sử dụng đúng với giá quy định vẫn còn đang bị bỏ ngỏ mà chưa biết đến bao giờ mới có câu trả lời?