Lúc này, kiểm soát giá là vấn đề quan trọng nhằm đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 4% như Quốc hội đề ra. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đặng Công Khôi, Cục phó Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc tăng giá điện lần này sẽ tác động tới lạm phát tháng 4 và năm 2019 như thế nào?
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm này sẽ tác động đến chỉ số CPI tháng 4/2019 khoảng 0,29% so với tháng 3/2019.
Đối với tác động đến chỉ số CPI của cả năm 2019, tôi cho rằng sẽ còn tùy thuộc vào biến động của các mặt hàng thiết yếu trong giỏ hàng hóa của CPI.
Giá điện tăng cũng có những tác động nhất định đến một số mặt hàng sử dụng nhiều điện như: xi măng, sắt thép... Vậy Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp gì để quản lý giá các mặt hàng này, thưa ông?
Kịch bản điều hành giá điện đã được các bộ, ngành tính toán, ước tính tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung một cách chi tiết, toàn diện; trong đó cũng đã ước tính tác động đến các mặt hàng sản xuất sử dụng điện như: xi măng, sắt thép...
Theo quy định tại Luật Giá, mặt hàng xi măng, sắt thép hiện nay nằm trong danh mục kê khai giá. Do đó, để đảm bảo không xảy ra các biến động bất thường, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ thì cần theo dõi sát diễn biến thị trường kết hợp với việc giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có các biện pháp tổng thể nếu có các biến động bất thường của thị trường.
Dưới góc độ là cơ quan điều hành giá chung, Bộ Tài chính có khuyến cáo gì nhằm kiểm soát lạm phát cả năm đạt khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra?
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019, việc điều hành giá điện đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tính toán đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
Bộ Tài chính phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảm việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.
Các bộ, ngành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, dịch vụ công... Việc điều hành giá cần hết sức thận trọng để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm. Cùng với đó, tăng cường phân tích, dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết trong năm 2019 nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Trân trọng cảm ơn ông!