Nhà đầu tư đề xuất quy mô đầu tư xây dựng hệ thống thu phí gồm: vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố bao gồm Quận 1, Quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng; cổng thu phí trên các tuyến đường hiện có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như khu vực Trường Sơn, Cộng Hòa; một trung tâm quản lý điều hành.
Vành đai thu phí gồm các tuyến đường: ở phía Bắc là đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Thị Nghè, Nhiêu Lộc; đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám; Đường 3/2; đường Lê Hồng Phong; đường Lý Thái Tổ; đường Nguyễn Văn Cừ; đường Võ Văn Kiệt; đường Tôn Đức Thắng.
Ngoài ra, một số cổng thu phí bố trí tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng là đường Trường Sơn, Cộng Hòa. Giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và VDTC để thực hiện thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.
Hình thức đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong thời hạn 10 năm và không tái đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.274,1 tỷ đồng; trong đó, chi phí đầu tư ban đầu của dự án là 471,1 tỷ đồng (còn lại là chi phí vận hành trong 10 năm). Nguồn vốn đầu tư do nhà đầu tư tự thu xếp; kinh phí lập đề xuất dự án do nhà đầu tư đề xuất tự cân đối, chi trả.
Trên cơ sở sơ bộ nội dung đề xuất dự án và tự bỏ kinh phí để tham gia nghiên cứu, đề xuất của doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, quyết định, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định hiện hành.
Tháng 10/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Quan điểm là phát triển vận tải hành khách công cộng phải kết hợp, đồng thời với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, theo đề án, về giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, gồm các giải pháp kinh tế, hành chính; trong đó, giải pháp “thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố” cần sớm được xem xét, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Điều này nhằm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tạo động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực trung tâm khi hạ tầng giao thông đường bộ chưa thể đầu tư mở rộng theo quy hoạch.