Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo phát động và đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đảm bảo nguồn cung điện
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tháng 4/2024, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023 và là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, điện sử dụng lại cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước (điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại - dịch vụ tăng 18,95%, điện cho sinh hoạt tăng 18,54%).
Trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13 giờ 30 ngày 27/4, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam. Về sản lượng, ngày 26/4, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023.
“Những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung. Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng”, ông Lâm cho hay.
Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, nước ta có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2 - 3 lần các quốc gia khác.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp, nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu. Cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản, các địa phương thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững triển khai từ rất sớm, cố gắng hoàn thành vào quý II, đầu quý III để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng, kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Cho rằng Chỉ thị 20 không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng, buộc phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động.
“Điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện”, ông Thiên nói.
Theo ông, việc thêm đường truyền tải điện từ Quảng Bình đến Hưng Yên vừa qua là một trong những giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng điện, phân phối điện. Trong chương trình tiết kiệm điện quốc gia, những hành động này thể hiện tính tích cực, tầm nhìn cao. Đó là cách làm rất tích cực của Chính phủ hiện nay. Chuyên gia này cho rằng, cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua, truyền thông đã làm mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo, tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa.
Có chế tài nặng thay vì khuyến khích tiết kiệm điện
Dẫn ví dụ từ việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã xử phạt rất nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân tuân thủ và dần thay đổi thói quen, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đặt vấn đề: Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục? Phải chăng nhận thức của cộng đồng đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi?
Theo ông Hà Đăng Sơn, giá điện đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ. Chính phủ và Bộ Công Thương đang trong tiến trình cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường.
Có những địa phương quan tâm, thực sự thúc đẩy thì việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả rất cao. Nhưng có nhiều địa phương, do nhiều vấn đề an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư… tạo những điều kiện rất ưu đãi cho nhà đầu tư. Trong trường hợp này, những doanh nghiệp có thể đầu tư vào sử dụng năng lượng không hiệu quả, dùng những công nghệ không phải mới nhất, dẫn đến lãng phí năng lượng lớn. Ông hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan thúc đẩy để mạng lưới tiết kiệm năng lượng quay lại như cách đây gần 10 năm.
Nhìn nhận tuyên truyền, vận động chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, Tập đoàn đã ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn, đặc biệt là phải tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện. Đến nay, có khoảng 92% công tơ đo đếm điện thực hiện điện tử hóa. Cùng với việc áp dụng chuyển đổi số, khách hàng sử dụng điện có thể tương tác, xem sản lượng điện của mình.
Ngành điện đang đặt nhiều chế độ khác nhau, khách hàng có thể xem được sản lượng điện hết bao nhiêu trong một ngày và so sánh với thời gian liền kề, hay so với năm liền kề, so với trong khu vực… để biết mình đang sử dụng điện như thế nào.