Đề xuất 5 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch COVID-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Chú thích ảnh
Du lịch biển Quy Nhơn. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Nhằm kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tập trung vào 5 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thứ nhất, đưa ra các định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người, nhất là qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng. Đặc biệt, cần thiết lập hệ thống chuyển tuyến khả thi và nâng cao mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân.

Thứ ba, thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội, nhưng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Cuối cùng, tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu SDGs.

Theo TS. Lê Việt Anh thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa tạo thành động lực tăng trưởng.

Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm. Công tác quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Đặc biệt, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản chính sách còn cồng kềnh, phức tạp; năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước còn yếu, nhất là ở cấp cơ sở...

Đánh giá những thành tựu trong phát triển bền vững ở Việt Nam qua chỉ số SDG Index, TS. Lê Việt Anh cho biết, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022.

Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính. Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và phát triển đã bổ sung thêm một số chỉ tiêu và điểm số đối với chỉ tiêu này của Việt Nam thấp so với mức trung bình chung của năm trước đó, dẫn đến kéo điểm số của mục tiêu xuống.

PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (APD) cũng cho rằng, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (APD) đề xuất, cần thực hiện mô hình tăng trưởng xanh hài hòa. Trong quá trình thực hiện cần có thể chế phù hợp và các chính sách thực thi sát với thực tế.

“Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Thể chế là bệ đỡ cho phát triển bền vững, là yếu tố tạo điều kiện hình thành, duy trì các thành quả phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Thế Vinh nhấn mạnh.

17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam theo góc nhìn của xếp hạng chỉ số SDGs toàn cầu (SDI), Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất cho SDG 4 (với 97,83 điểm), theo sau lần lượt là SDG 1 (95,62 điểm) và SDG 12 (93,88 điểm). 3 mục tiêu có kết quả kém nhất lần lượt là SDG 9 (51,31 điểm), SDG 14 (48,79 điểm) và SDG 15 (46,49 điểm).

Chỉ số SDI chỉ ra rằng, Việt Nam về cơ bản đã đạt được SDG 4, còn một số thách thức trong việc thực hiện SDG 1, SDG 7, SDG 12 và SDG 13, trong khi các mục tiêu còn lại còn thách thức đáng kể hoặc thách thức rất lớn.

Thúy Hiền (TTXVN)
Tập trung 8 định hướng và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Tập trung 8 định hướng và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN