Để nghề thêu ren Thanh Lãng khởi sắc

Đã từ lâu người dân thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã quen với đường kim, sợi chỉ và gắn cuộc đời với nghề thêu ren. Tuy thu nhập không cao nhưng nghề này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 200 hộ dân nơi đây.


Giữ nghề truyền thống


Về Thanh Lãng khi mùa cày cấy kết thúc, người dân nơi đây lại lục tục đi lấy vải phôi thêu về làm. Đây là một trong chuỗi các công đoạn trước khi cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Chị Nguyễn Thị Hà, tổ dân phố Độc Lập, thị trấn Thanh Lãng tâm sự, chị theo nghề từ thời còn đi học. Đến nay, ở cái tuổi gần tứ tuần, chị không chỉ theo nghề mà còn dạy nghề cho hai con gái. Thêu gia công, không đòi hỏi vốn, các hộ có thể đến nhà đầu mối lấy hàng về thêu phôi và khi thêu xong thì giao cho đầu mối trả hàng.

Làng nghề thêu ren Thanh Lãng


Dưới bàn tay “múa lượn” của chị, những bông hoa đang khoe sắc, chiếc lá, thân cây cũng như mềm mại hơn... Trung bình chị Hà mất khoảng từ 3-4 ngày để hoàn thành một bức tranh thêu. Mỗi tháng nghề thêu gia công mang lại cho chị trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng đủ để chị chi tiêu trong gia đình.


“Từ học sinh lúc nghỉ hè đến cô công nhân tan ca rảnh rỗi hay bà già vừa trông cháu vẫn có thể thêu gia công. Thậm chí, nhiều chị đi đánh giấy giáp cho các hộ gia đình làm mộc, tối về còn tranh thủ nhận hàng thêu để có đồng ra đồng vào. Hơn nữa, nghề thêu không phải là công việc quá nặng nhọc hay vất vả, cũng không phải đi lại nhiều. Vì vậy, tuy ngày công lao động thấp nhưng nghề vẫn được phụ nữ trung tuổi và học sinh lựa chọn” - chị Hà nói.


Sau hơn 30 năm có mặt ở Thanh Lãng, nghề nông nhàn này vẫn gắn bó với người dân thôn như máu thịt, từ những đứa trẻ lên 10 đến các lão niên trong làng ai cũng biết cầm kim thêu. Công cụ, thiết bị của nghề thêu ren rất đơn giản. Người thêu chỉ cần khung thêu, các loại chỉ màu, kim, kéo cắt chỉ. Khung thêu được làm bằng gỗ hay tre. Các mặt hàng thêu của làng chủ yếu là ga, chăn, khay vuông, gối. Còn sản phẩm chủ yếu tranh phong cảnh và thêu hoa: hoa nhị, hoa hồng, hoa cúc, hoa hướng dương và thêu chim…


Công đoạn thêu cũng phải cẩn thận. Người thêu phải kéo sao cho vải không quá căng, không quá trùng. Để đảm bảo độ căng vừa phải, khi lên khung, vải thêu căng và ngay ngắn, những hình in trên vải thêu không bị biến dạng. Người làm nghề, yêu cầu xỏ kim phải đúng, đâm mũi kim sao cho nhỏ chân, kéo chỉ vừa độ căng. Các đường chỉ đan vào nhau phải mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa phải đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng “lẩn” bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu.


Tìm chỗ đứng trên thị trường


Bà Nguyễn Thị Ngọc Bé, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại và Sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Thắng, thị trấn Thanh Lãng, cho biết: nghề thêu ren ở đây xuất hiện vào những năm 1975, tạo việc làm và mang lại nét riêng cho Thanh Lãng lúc bấy giờ nhưng theo thời gian, nghề thêu bị mai một dần. Năm 2006, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, địa phương đã mạnh dạn khôi phục lại nghề thêu ren và thành lập ra Hợp tác xã Thương mại sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Thắng. Từ chỗ chỉ có vài chị em tham gia, đến nay, sau 8 năm hoạt động, nghề thêu ren ở thị trấn đã thu hút được hơn 200 xã viên tham gia ở mọi lứa tuổi, sử dụng được phần lớn lao động nông thôn lúc nông nhàn.


Tuy nhiên, do chưa tự chủ được đầu ra nên hiện nay, Hợp tác xã (HTX) chủ yếu nhận hàng của các đơn vị từ Hà Nam, Hà Nội về phân phát cho chị em gia công tại nhà. Mặc dù đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, nhưng tranh thêu của Hợp tác xã Toàn Thắng vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và mục tiêu nhân rộng nghề thêu ren vẫn đang gặp khó. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lại đang suy giảm mạnh.


Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bé, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không mặn mà của chính người làm nghề. Một số ngành nghề phụ khác như làm mộc, đánh giấy giáp, may mặc… cho thu nhập cao hơn đã thu hút lực lượng lao động của làng. Người làm nghề thêu gia công ít dần, chủ yếu còn phụ nữ trung tuổi và học sinh. HTX đã từng mở lớp dạy nghề nhưng do không có nguồn vốn để hỗ trợ cho người học mua sắm thiết bị, nguyên liệu… nên chưa thu hút được các chị em tham gia. Hơn thế nữa, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao nhưng các thành viên của HTX lại chưa cập nhật được những kỹ thuật mới nên khó khăn trong việc bán sản phẩm mà thu nhập lại không cao.


Mặt khác, vài năm trở lại đây, các sản phẩm tranh thêu nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ tràn lan trên thị trường, đã làm cho tranh thêu Việt càng gặp khó. Chị Nguyễn Thị Đông, một thợ thêu giỏi của Hợp tác xã cho biết thêm: Thông thường, khi nào khách hàng đặt thì mới dồn sức làm chứ không dám thêu sẵn với số lượng lớn. Trong phòng tranh của HTX thường chỉ trưng bày khoảng chục bức tranh để làm mẫu cho khách hàng tham khảo.


Việc phát triển làng nghề sẽ góp phần khai thác tiềm năng lao động, vật tư nguyên liệu sẵn có, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết lao động dư thừa, từng bước giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân. Do vậy, để phát triển quy mô hơn nữa nghề thêu theo mong muốn của nhiều người làm nghề thêu ở Thanh Lãng, đòi hỏi có sự quan tâm của các Sở, ban ngành, đoàn thể giúp đỡ trong việc hỗ trợ đầu tư chi phí, đào tạo thợ thêu; quy hoạch làng nghề, mở rộng quy mô, tìm kiếm thị trường thêu ở trong nước cũng như nước ngoài. Hy vọng trong tương lai không xa, nghề thêu ren Thanh Lãng sẽ khởi sắc từng ngày.


Nguyễn Thị Thảo
Làng nghề truyền thống trầy trật giữ nghề
Làng nghề truyền thống trầy trật giữ nghề

Với thời gian tồn tại ngót 100 năm Thái Mỹ ngày xưa được mệnh danh là cái nôi của sản phẩm làm từ tre, trúc. Tuy nhiên, những năm gần đây, làng nghề đan lát truyền thống này đang rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, lay lắt qua ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN