Để ngành dừa phát triển bền vững - Bài 1: Người trồng dừa lao đao

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 130.000 ha dừa, chiếm gần 79% diện tích dừa cả nước; trong đó, hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có diện tích dừa lớn nhất nước với 92.000 ha, sản lượng hơn 750 triệu trái/năm.

Thế nhưng, người trồng dừa ở “thủ phủ” dừa Bến Tre cũng như Trà Vinh đang lao đao do giá cả bấp bênh, sự cạnh tranh khốc liệt từ các cây trồng khác có giá trị thu nhập cao hơn cây dừa. Đây là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi ngành chức năng địa phương có những giải pháp căn cơ để nông dân gắn bó lâu dài với cây dừa và phát triển bền vững ngành dừa.

Chú thích ảnh
Hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có diện tích dừa lớn nhất nước. Ảnh: TTXVN

Không như những năm trước, thường vào thời điểm gần cuối năm, giá dừa khô nguyên liệu sẽ tăng trở lại nhưng thời điểm hiện nay, giá dừa khô tiếp tục lao dốc và chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục trở lại. Hiện ở các tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, giá dừa tiếp tục đứng ở mức thấp, khiến cho đời sống người trồng dừa gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều nhà vườn, giá dừa khô nguyên liệu liện tục sụt giảm và kéo dài hơn 6 tháng qua. Giá dừa xuống thấp, khiến số tiền thu được từ việc bán dừa không đủ tái đầu tư cho phân, thuốc cho vườn dừa và nếu tính luôn công chăm sóc thì nhà vườn thua lỗ. Trong khi đó, đời sống của các hộ nông dân này có thu nhập chính từ việc bán trái dừa khô. 

 Ông Mai Văn Tuội, nhà vườn canh tác 0,6 ha dừa ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre than thở, giá dừa khô nguyên liệu sụt giảm mạnh và kéo dài, khiến đời sống người trồng dừa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện giá dừa khô nguyên liệu thương lái thương mua tại vườn chỉ dao động ở mức 30.000-35.000 đồng/chục (12 trái). Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mức giá dừa khô trung bình trong khoảng 10 năm qua. Trong khi đó, ở vùng đất này, ngoài cây dừa, bà con nông dân không thể trồng cây khác được.

Cùng cảnh ngộ là ông Võ Văn Chà, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Vườn dừa 3,2 ha của gia đình ông năm trước cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, sau 10 đợt thu hoạch, vườn dừa này cho tổng sản lượng hơn 10.000 trái, nhưng chỉ thu được hơn 25 triệu đồng.

Với số tiền ít ỏi này, gia đình ông không đủ trang trải chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công. “Không cầm cự được, một số hộ gần đây đã phá bỏ nhiều diện tích trồng dừa, chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, quýt đường hoặc cam sành”, ông Chà chia sẻ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Bến Tre cho biết, tỉnh có hơn 72.000 ha dừa, chiếm 42% diện tích dừa của cả nước; trong đó, hơn 80% diện tích trong đó là dừa khô (còn lại bán dừa tươi uống nước), sản lượng trung bình hơn 600 triệu trái/năm.

Tại Bến Tre hiện có 163.000 hộ trồng dừa với diện tích bình quân 0,4 ha/hộ. Đa số các hộ trồng dừa có trồng xen cây khác ở mức độ khác nhau, chỉ một phần nhỏ (thường là số hộ có diện tích lớn) trồng độc canh cây dừa. Theo ước tính, có khoảng 40% nông dân có hoạt động liên quan đến cây dừa. Qua phân tích cho thấy, thu nhập từ dừa chiếm 72% cơ cấu thu nhập của hộ, do vậy giá dừa giảm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người trồng dừa.

Thời gian gần đây, thu nhập người trồng dừa ở Bến Tre được cải thiện hơn so với trước nhưng sự gia tăng thu nhập này vẫn chủ yếu nhờ vào sự tăng giá trên thị trường của các mặt hàng từ dừa và không phục thuộc nhiều vào sự chủ động tạo giá trị tăng thêm trong hệ thống canh tác của vườn dừa. Hơn nữa, mức thu nhập từ trồng dừa còn thấp hơn so với các loại cây trồng khác. Hiện tại, nếu chỉ độc canh cây dừa thì nguồn thu nhập bình quân của hộ trồng dừa tại Bến Tre đạt khoảng 68 triệu đồng/ha/năm.

Trà Vinh có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với khoảng 20.000 ha, cho sản lượng hơn 150 triệu trái/năm; trong đó, dừa trồng lấy trái khô chiếm 2/3 diện tích. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, phù sa bồi đắp, kết hợp với hệ thống sông ngòi, kênh mương trên địa bàn tỉnh đã giúp cho cây dừa cho trái có chất lượng tốt, cơm dày, hàm lượng dầu cao. Do vậy, Trà Vinh đã xác định đây là cây trồng lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, những năm qua, do nhu cầu tiêu thụ và thị trường xuất khẩu không ổn định nên giá dừa khô liên tục biến động, khiến nhiều nhà vườn trồng dừa gặp nhiều khó khăn. Gần đây nhất, sau khi chạm mốc kỷ lục 180.000 đồng/chục (12 trái) vào tháng 9/2017, hơn một năm nay giá dừa khô liên tục giảm. Đặc biệt, từ tháng 6/2018 đến nay, giá dừa khô ở Bến Tre và Trà Vinh chỉ dao động ở mức 20.000-45.000 đồng/chục.

Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Bé cho biết: Năm 2017, với mức giá luôn cao hơn 80.000 đồng/chục, các vườn dừa chuyên canh cho thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/ha/tháng. Hơn một năm nay, giá dừa liên tục lao dốc khiến nhà vườn thất thu nặng nề. Tiền bán dừa hiện không đủ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động.

Trước đó, năm 2012 giá dừa ở Trà Vinh cũng đã có đợt lao dốc từ 120.000 đồng/chục xuống còn 8.000-10.000 đồng/chục, làm hơn 40.000 hộ trồng dừa trên địa bàn tỉnh lao đao. Thời điểm đó, để “giải cứu” người trồng dừa, UBND tỉnh Trà Vinh phải xuất ngân sách gần 20 tỷ đồng hỗ trợ người trồng dừa tái đầu tư sản xuất.

Về nguyên nhân dừa khô giảm giá, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Lê Văn Khê nhận định: Diện tích dừa Bến Tre chiếm 0,5% diện tích dừa của thế giới, chính vì vậy dừa của Bến Tre chịu tác động của dừa thế giới cả về sản lượng lẫn thị trường.

Từ tháng 3/2018, giá dừa trên thế giới bắt đầu sụt giảm liên tục do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là năm nay thời tiết thuận lợi,Việt Nam và các nước trong khu vực trúng mùa dừa, sản lượng dừa rất lớn. Ngoài ra, rơi vào thời điểm một số nước Hồi Giáo ăn kiêng, nên việc tiêu thụ dừa rơi vào khó khăn trong thời gian dài.

Ông Khê phân tích thêm, thời điểm hiện nay, giá dừa trên thế giới tiếp tục sụt giảm. Điển hình như tại Philippines, vào tháng 3/2018, giá dừa hột (dừa lột vỏ) khoảng 184 USD/tấn, đến tháng 5/2018 giảm xuống còn 150 USD/tấn và hiện nay chỉ còn 125 USD/tấn. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến ngành dừa của Bến Tre nói riêng và các tỉnh nói chung. Mặt khác, thông thường ở các năm trước khoảng tháng 8, tháng 9 là thời điểm giá dừa bắt đầu nâng lên, nhưng nay năm lại tiếp tục giảm do diễn biến tình hình thương mại thế giới.

Theo ông Khê, một số doanh nghiệp cho biết khả năng vào tháng 12 năm nay, thị tiêu thụ dừa nguyên liệu sẽ ổn định trở lại và giá cũng sẽ tăng lên. Đáng chú ý, thời điểm giá dừa sụt giảm, thông qua việc thực hiện chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm và chính sách hỗ trợ người trồng dừa, một số doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí để thu mua, chế biến và dự trữ dừa phục vụ sản xuất.

Ngoài nỗi lo về giá, diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết sản xuất chưa tốt; việc tiêu thụ, giá trị gia tăng trong từng phân khúc của ngành dừa chưa thật sự hợp lý. Giá nguyên liệu trồi sụt thất thường, một số vườn dừa năng suất, sản lượng bị giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... là những nhược điểm cần khắc phục của ngành dừa .

 

Bài 2: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

Công Trí- Thanh Hòa (TTXVN)
Cơ hội làm giàu từ trồng dừa sáp
Cơ hội làm giàu từ trồng dừa sáp

Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột là một loại dừa thuộc dạng quý hiếm, chỉ có ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trong những năm qua, do không được chăm sóc đúng kỹ thuật cũng như cách nhân giống, nên loại dừa này bị thoái hóa, tỉ lệ sáp thấp và có nguy cơ bị xóa sổ. Trước thực trạng này, các nhà khoa học đã cùng nông dân xây dựng mô hình nông dân trồng dừa sáp ở xã Hòa Tân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN