Hiện nay, ngành dừa Bến Tre gần như đình trệ, từ khâu thu hoạch, mua bán dừa nguyên liệu, cho đến chế biến, xuất khẩu các sản phẩm. Đây là tình trạng tệ nhất trong hơn chục năm qua.
Chị Lê Thị An (chủ một vựa dừa ở huyện Giồng Trôm) bên đống dừa khô đã lên cây. |
Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa chua chát: “Giá không còn quan trọng nữa, nhiều nơi nông dân chỉ cần bán được dừa. Đối với hàng ngàn hộ nghèo tại các khu vực nông thôn, có thêm 100.000 đồng cũng đủ mua gạo thêm vài bữa.”
Dừa khô bán không ai mua
Sau gần 1 tháng chờ đợi không có người mua, ông Trần Văn Liêm (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam) quyết định chẻ hơn 1.000 trái dừa để phơi khô. Ông cho biết, cách đây chừng 1 tháng còn bán được 30.000 đồng/12 trái, nhưng giờ thì chịu thua, không ai hỏi mua nữa. Cách đây 1 tuần có người trả 17.000 đồng/12 trái nhưng không thấy quay lại. Cơm dừa khô được mua với giá 6.000 đồng/kg, tính ra không lời hơn so với bán nguyên trái, nhưng được cái phơi khô có thể để thêm chừng 3, 4 tháng nữa - ông cho biết thêm. Tại huyện Giồng Trôm, hàng chục chủ vựa chuyên thu gom dừa đang điêu đứng vì dừa khô lỡ mua nhưng không bán lại được. Anh Mai Thanh Châu, một chủ vựa lớn tại xã Châu Hòa cho biết, anh còn khoảng 20.000 trái, trong đó có khoảng 7.000 trái bắt đầu lên mầm nhưng không bán được cho ai. Hiện đã hết vốn để thu gom thêm, nên người dân có gọi bán cũng chịu.
Không giống như các loại sản phẩm nông nghiệp khác, có thể phơi khô và bảo quản trong thời gian dài, dừa khô chỉ có thể để được 1 - 2 tháng trong mùa mưa và khoảng 2 - 3 tháng trong mùa nắng. Quá thời hạn này là dừa bắt đầu nảy mầm, chỉ có thể sử dụng làm giống chứ không thể sử dụng làm thực phẩm.
Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, toàn tỉnh có 90.000 hộ dân sống nhờ cây dừa, tổng diện tích hiện nay là 53.000 ha, chiếm 37% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm từ dừa chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 40% giá trị xuất khẩu và có hàng chục ngàn lao động làm trong các ngành liên quan đến sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dừa. Giá dừa khô tại Bến Tre bắt đầu tuột dốc từ đầu năm và hiện nay chỉ bằng 1/10 so với cùng thời điểm này năm ngoái. Theo ông Hồ Vĩnh Sang, tác động của giá dừa hiện nay là rất lớn, từ tâm lý hoang mang của người dân đến các vấn đề kinh tế, xã hội như sự đình trệ sản xuất, nguy cơ tái nghèo của hàng ngàn hộ dân nông thôn.
Nguyên nhân giá dừa chạm đáy
So với năm ngoái, sản lượng dừa năm nay của tỉnh Bến Tre tăng khoảng 30%. Bên cạnh đó, các địa phương lân cận như Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang cũng trúng mùa nên lượng dừa đổ về rất nhiều. Trong khi việc xuất khẩu dừa khô gần như đình trệ, chỉ bằng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng dừa của Bến Tre vào khoảng 420 triệu trái, thêm vào đó, mỗi năm khoảng 200 - 300 triệu trái từ các tỉnh lân cận cũng đổ về, biến Bến Tre trở thành chợ dừa của cả khu vực.
Bên cạnh nguồn cung tăng quá cao trong khi việc xuất khẩu đình trệ, nhóm ngành chế biến các sản phẩm từ dừa cũng lâm vào khó khăn chồng chất, mặt hàng cơm dừa nạo sấy hiện chỉ còn khoảng 1.100 USD/tấn so với hơn 3.000 USD cùng kỳ. Thêm nữa, các doanh nghiệp nhận được rất ít đơn hàng nên sản phẩm tồn kho quá lớn, không còn vốn để thu mua, chế biến thêm. Các mặt hàng bánh, kẹo dừa cũng lâm vào tình huống tương tự, theo thống kê của Sở Công Thương, lượng sản xuất, tiêu thụ chỉ khoảng 60 - 70% so với năm ngoái. Đặc biệt, ngành sản xuất thạch dừa gần như đình trệ, từ đầu năm đến nay, khoảng 500/650 cơ sở sản xuất thạch dừa thô của tỉnh đã lần lượt ngưng hoạt động do khó khăn về đầu ra.
Lý giải nguyên do khiến ngành dừa Bến Tre đình trệ, ông Hồ Vĩnh Sang phân tích: Nguyên do là dự đoán sai, đặc biệt là các thương lái và doanh nghiệp chế biến. Đối với các thương lái, khi giá dừa bắt đầu có dấu hiệu giảm mạnh từ đầu năm, họ coi đó là sự sụt giảm tạm thời nên trữ dừa lại chứ không bán ra, lượng dừa các tháng kế tiếp vẫn được tích trữ rất nhiều dẫn đến cung vượt xa cầu. Còn các doanh nghiệp thì phần do chủ quan về đầu ra, phần do những diễn biến bất thường trên thị trường thế giới nên sản phẩm làm ra không bán được.
Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân
Theo ông Ngô Văn Nghiệm, Chủ tịch Hội nông dân xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi có tỉ lệ đất trồng dừa, sản lượng và chất lượng dừa khô cao nhất tỉnh, nếu tính bình quân mỗi hộ có chừng 4.000 m2 đất trồng dừa thì thu nhập hàng tháng chỉ vào khoảng 700.000 đồng. Toàn xã có khoảng 70% số hộ dân thế chấp sổ đỏ để vay vốn tại các ngân hàng, tổng nợ hiện nay vào khoảng 25 tỉ đồng. Cũng theo ông Ngô Văn Nghiệm, điều đáng lo ngại là người dân không có khả năng đầu tư chăm sóc vườn dừa nên vụ dừa năm tới thất thu là “chắc”. Tính bình quân, cứ 1.000 m2, mỗi năm người dân bón khoảng 40 kg phân bón, nhưng với giá cả như hiện nay, chắc chắn đa số nông dân không thể chi thêm khoản này. Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, nếu hỗ trợ phân bón (cung cấp trực tiếp, miễn phí cho nông dân nghèo) thì chi phí khoảng 15 tỉ đồng. Lượng phân này sẽ được sử dụng cho đợt bón tới, tức tháng 10 - 11 âm lịch. Đây là giải pháp thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Hồ Vĩnh Sang, việc hỗ trợ nông dân là hết sức cần thiết. Hiện người dân nhiều địa phương trong tỉnh bắt đầu đốn tỉa bớt vườn dừa để chuyển sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, tại các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và hàng chục xã của các huyện còn lại, nông dân chỉ có thể gắn bó với cây dừa do điều kiện thổ nhưỡng không thích hợp cho các loại cây trồng khác. Hơn nữa, dừa là loại cây phải từ 8 - 10 năm mới cho trái ổn định không thể nay đốn mai trồng. Cây dừa cũng là cây gắn bó với hình ảnh tỉnh Bến Tre và ăn sâu vào tâm thức người dân. Đây cũng là loại cây gắn liền với cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Theo UBND tỉnh, việc thành lập quỹ bình ổn giá dừa sẽ giúp tỉnh có điều kiện hỗ trợ sản xuất của ngành dừa trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, đặc biệt là đối với nông dân. Hiện UBND tỉnh đang đề xuất Chính phủ có chủ trương thành lập quỹ này. Riêng đối với các doanh nghiệp, tỉnh đưa ra một gói các giải pháp tổng thể. Thứ nhất là tăng cường liên kết, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi chào hàng xuất khẩu và sau đó lại quay lại ép giá nông dân. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng các điểm thu mua dừa của nông dân để hạn chế bớt khâu trung gian, nâng được giá dừa trái lên. Riêng đối với nông dân, UBND tỉnh đang vận động các ngân hàng giãn nợ, cho vay thêm vốn để người dân có điều kiện tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn dừa. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ cân đối ngân sách để hỗ trợ người dân đầu tư thâm canh, xen canh nhằm tăng thu nhập trong vườn dừa. Bên cạnh đó, riêng đối với xuất khẩu dừa trái, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận thương mại.
Bài và ảnh: Hưng Thịnh