Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trong tuần giao dịch sôi động nhất kể từ cuối năm 2022, VN-Index đã bứt phá ngoạn mục, chạm ngưỡng cao nhất hơn ba năm qua, mở ra kỳ vọng chinh phục lại đỉnh lịch sử.
Tái lập kỷ lục thanh khoản
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần giao dịch tích cực (từ ngày 7 - 11/7) với chỉ số VN-Index tăng mạnh 5,1% lên mức 1.457,76 điểm, vượt mốc 1.450 điểm và tiến gần vùng giá cao nhất kể từ tháng 3/2022. Chỉ số VN30 tăng vượt trội 7,07%, chốt tuần tại 1.594,07 điểm – mức cao kỷ lục, vượt cả đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 11/2021.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường không còn cần một lý do cụ thể để tăng, trong bối cảnh dòng tiền trở lại mạnh mẽ và sự hỗ trợ rõ nét từ khối ngoại. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đạt hơn 1,2 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 41% so với tuần trước, vượt cả mức trung bình tại đỉnh năm 2022. Khối ngoại mua ròng liên tiếp với tổng giá trị lên tới 6.969,8 tỷ đồng chỉ riêng trên HOSE.
SHS đánh giá xu hướng ngắn hạn của VN-Index duy trì tích cực, với vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc 1.450 điểm và mục tiêu tiếp theo là vùng 1.480 điểm. VN30 đang trong xu hướng vượt đỉnh, tuy nhiên có thể đối mặt với áp lực kiểm tra lại vùng giá cao trong thời gian tới. Đà tăng hiện tại có sự đóng góp đáng kể từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần (VIC), khi hai mã này tiến sát vùng giá đỉnh lịch sử năm 2021 – tương ứng khoảng 90.000 đồng với VHM và 120.000–130.000 đồng với VIC.
Độ rộng thị trường có sự phân hóa. Các nhóm ngành nổi bật bao gồm cổ phiếu thuộc Vingroup, ngân hàng, thép, chứng khoán và các mã vốn hóa lớn – đều được khối ngoại mua ròng mạnh. Trong khi đó, nhiều nhóm ngành khác tiếp tục tích lũy hoặc chịu áp lực điều chỉnh.
Bên cạnh đó, SHS cũng công bố báo cáo chiến lược “SHS Outlook H2/2025 – Trend Following”, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán và triển vọng nửa cuối năm 2025. Theo đó, ở vùng giá hiện tại, tổng vốn hóa thị trường khoảng 325 tỷ USD, tương đương 68% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024. VN-Index đang tiệm cận vùng giá cao nhất năm 2021–2022.
Từ góc nhìn chiến lược, SHS cho rằng thị trường vẫn trong xu hướng tăng trưởng, cơ hội ngắn hạn sẽ tập trung vào các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng tích cực. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng hợp lý, ưu tiên nắm giữ các mã có nền tảng cơ bản tốt và thuộc nhóm đầu ngành.
Cùng quan điểm tích cực, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định VN-Index tiếp tục có phiên bùng nổ trong tuần, với gap tăng điểm liên tiếp trong 5 phiên. Mặc dù chịu áp lực chốt lời ở phiên cuối tuần, thị trường vẫn duy trì đà tăng mạnh. Thanh khoản khớp lệnh bình quân tăng 45,5% so với mức bình quân 20 tuần gần đây, đạt mức cao kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Khối ngoại đã có hai tuần mua ròng liên tiếp với tổng giá trị vượt 12.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm ngân hàng và chứng khoán. Diễn biến này gợi nhớ tới giai đoạn cuối tháng 11/2022 – thời điểm thị trường cũng được khối ngoại hỗ trợ mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc Phòng Nghiên cứu phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Maybank (Maybank Investment Bank – MSVN), có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn từ P-Notes đóng vai trò quan trọng trong lực mua của khối ngoại, nhất là ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao – xu hướng từng xuất hiện vào cuối năm 2022. (P-Notes – hay Participatory Notes – là công cụ tài chính cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán thông qua tổ chức trung gian, mà không cần đăng ký trực tiếp với cơ quan quản lý sở tại. Công cụ này thường được sử dụng bởi các quỹ đầu cơ và dòng tiền có tính linh hoạt cao).
Ngoài P-Notes, việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ giúp duy trì dòng vốn ngoại trong dài hạn. Theo nhiều nhận định, dòng vốn thường đến sớm từ 4–5 tháng trước thời điểm nâng hạng. Nếu đúng lộ trình, Công ty FTSE Russell (Vương quốc Anh) có thể nâng hạng thị trường Việt Nam vào tháng 9/2025. Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), dự báo khả năng Việt Nam được nâng hạng ngay trong tháng 9 năm nay là khoảng 70%, dù vẫn còn 30% khả năng phải lùi đến tháng 3/2026.
Báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. (Hoa Kỳ) mới đây cho rằng các cải cách như miễn ký quỹ 100% trước khi giao dịch từ tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch KRX đã làm tăng xác suất được nâng hạng vào tháng 9/2025. Việc này có thể kéo theo dòng vốn thụ động hơn 500 triệu USD và cải thiện đáng kể tâm lý thị trường. JPMorgan Chase & Co. cũng đã nâng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam lên “tăng tỷ trọng” (Overweight – OW) cùng với Singapore và Philippines.
Công ty cổ phần chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) (MASVN) trong báo cáo chiến lược tháng 7 cho rằng kịch bản xấu nhất đã tạm qua, tạo điều kiện cho thị trường tiếp tục xu hướng tăng trong quý III/2025. MASVN đặt mục tiêu VN-Index tiến về vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm.
Tương tự, báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank Securities – VCBS) đưa ra hai kịch bản gồm: Kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.555 điểm, P/E (tỷ số giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) khoảng 14,6 lần; EPS (thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu, tăng 12%) và kịch bản khả quan là VN-Index sẽ đạt 1.663 điểm, dựa trên kỳ vọng nâng hạng và các chính sách điều hành mạnh mẽ.
Dù vậy, trong bối cảnh VN-Index đã tăng hơn 380 điểm từ mức đáy 1.074 điểm, Công ty CSI khuyến nghị thận trọng với các vị thế mua mới, ưu tiên hiện thực hóa lợi nhuận và giảm tỷ trọng khi xác suất điều chỉnh đang ở mức cao.
Trái ngược với sắc xanh lan tỏa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Phố Wall lại khép lại tuần giao dịch trong sắc đỏ do lo ngại gia tăng về chính sách thuế quan cứng rắn từ Mỹ.
Chứng khoán Mỹ chùn bước trước "cơn gió ngược" thuế quan
Phố Wall đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7 trong sắc đỏ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực thuế quan đối với Canada, làm khuếch đại sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại của Mỹ.
Tổng thống Trump ngày 10/7 đã đẩy mạnh chính sách thuế quan nhắm vào Canada, khi cho biết Mỹ sẽ áp mức thuế 35% đối với hàng nhập khẩu từ nước này vào tháng tới. Ngoài ra, ông Trump còn có kế hoạch áp thuế quan chung 15% hoặc 20% lên hầu hết các đối tác thương mại khác.
Chỉ số S&P 500 đã giảm nhẹ từ mức cao kỷ lục của phiên trước, trong bối cảnh tâm lý thận trọng bao trùm sau khi ông Trump đưa ra bức thư thông báo áp thuế 50% đối với Brazil và cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể nhận được bức thư với thông tin chi tiết về mức thuế mới.
Ông Michael James, một nhà giao dịch cổ phiếu tại Rosenblatt Securities, nhận định sau một thời gian vắng bóng các tin tức tiêu cực về thuế quan, thì sự gia tăng các phát ngôn cứng rắn về thuế quan, cùng những gì đã diễn ra trong tuần này với Brazil và Canada, đã nhắc nhở giới đầu tư rằng nhân tố thuế quan vẫn còn hiện hữu.
Khép lại phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,33% xuống 6.259,75 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,22% xuống 20.585,53 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,63% xuống 44.371,51 điểm. Đáng chú ý, trong phiên này, giá cổ phiếu của Nvidia tăng 0,5% lên mức cao kỷ lục, nâng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên 4.020 tỷ USD.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, chỉ số Dow Jones mất khoảng 1% và chỉ số Nasdaq giảm 0,1%.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong hai phiên liên tiếp đầu tuần này, sau khi Tổng thống Mỹ thông báo áp thuế quan mới với 14 nước và đe dọa áp thuế quan đối với kim loại đồng và dược phẩm, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại và lạm phát.
Tuy nhiên, đà giảm này đã đảo chiều trong hai phiên sau đó, khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) củng cố hy vọng rằng áp lực lạm phát từ thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ không làm chệch hướng kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư đã quen với cách thức đe dọa áp thuế của ông Trump. Và với việc thời hạn áp thuế mới nhất được lùi đến ngày 1/8, nhiều người dự đoán rằng các cuộc đàm phán sẽ xoa dịu cuộc chiến thương mại.
Các nhà đầu tư sẽ sớm chuyển sự chú ý sang mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 của khối doanh nghiệp, để biết được các chính sách thuế quan của ông Trump đang ảnh hưởng đến các công ty lớn của Mỹ như thế nào. Sang tuần tới, trong số những tên tuổi lớn công bố kết quả kinh doanh có JPMorgan, Netflix và Johnson & Johnson.
Theo dữ liệu của LSEG I/B/E/S, các nhà phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý II/2025 của các công ty trong S&P 500 sẽ ở mức 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trưởng lớn đến từ các công ty công nghệ và lợi nhuận sụt giảm ở lĩnh vực năng lượng và hàng tiêu dùng.