Kế hoạch này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tích cực, tuy nhiên để triển khai hiệu quả, các ý kiến cho rằng, quy trình thủ tục thực hiện cần được đơn giản hơn, song vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.
Tiếp tục trợ vốn cho doanh nghiệp khó khăn
Tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX diễn ra giữa tháng 12/2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sắp tới thành phố sẽ triển khai gói tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Dự kiến, gói tín dụng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn.
Bên cạnh việc triển khai gói hỗ trợ lần 2, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Gói hỗ trợ lần 2 được đặt ra khi tổng thể kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh. Trong năm 2020, thành phố có 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch thì đều có yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 1,39% trong khi chỉ tiêu là 8,3 - 8,5%; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 86,74% dự toán; chỉ có 40.000 doanh nghiệp thành lập mới trong khi chỉ tiêu là 44.000 doanh nghiệp; và tỷ lệ thất nghiệp đô thị lên tới 4% dân số, trong khi chỉ tiêu là dưới 3,7%.
Thêm vào đó, dưới tác động của dịch bệnh, đã có 32.374 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giải thể, ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm 152.831 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 28.458 tỷ đồng.
Do vậy, khi thông tin gói hỗ trợ lần 2 được tiết lộ, phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp được các Hiệp hội ngành nghề ghi nhận khá tích cực. Họ hi vọng thành phố sớm triển khai gói hỗ trợ lần 2, nhưng cũng đưa ra một số vấn đề cần tháo gỡ để chính sách thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Trung Dũng, Đại diện Công ty TNHH Giày Nam Việt cho rằng, nếu gói hỗ trợ tiếp theo của thành phố được triển khai dưới hình thức cho vay tín chấp, lãi suất 0% thì rất phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ trương trên giấy tờ và thực tế thực hiện có khớp nhau hay không mới quyết định hiệu quả của việc hỗ trợ.
“Các chính sách hỗ trợ trước đó nghe thì rất hay, rất hợp lý nhưng thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được bởi các điều kiện đáp ứng rất khó chứng minh. Hy vọng gói hỗ trợ lần này sẽ được triển khai nhanh, gọn hơn để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất”, ông Lê Trung Dũng cho hay.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, mục tiêu của gói hỗ trợ lần này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn, cạn kiệt năng lực là đúng đối tượng cần hỗ trợ. Hiện nay, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi, song trên thực tế, tình hình phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp lại diễn ra không đồng đều. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang tăng tốc sản xuất để chuẩn bị phục vụ mùa Tết, thì các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ vẫn còn đang chật vật để duy trì hoạt động.
Do vậy, các doanh nghiệp này hiện rất mong đợi Chính phủ, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cần phải tháo gỡ là điều kiện được vay, tiếp cận vốn; trong đó, cần giảm bớt các điều kiện liên quan đến tài chính, tài sản bảo đảm sao cho phù hợp.
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất hạn chế về vốn và tài sản. Trong khi đó, các đầu mối cho vay là tổ chức tín dụng đều hứa xem xét cho vay vốn, nhưng thực tế ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên rất cân nhắc vì ngại vướng nợ xấu.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống ngân hàng, cần có sự cân nhắc hài hòa, sao cho các khoản vay doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích, kế hoạch và hiệu quả trên cơ sở giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vay vốn. Nếu vẫn giữ nguyên những điều kiện xét cho vay như hiện nay thì dù có thêm nhiều gói hỗ trợ, doanh nghiệp cũng chỉ có thể “đứng nhìn” chứ không tiếp cận được”, ông Chu Tiến Dũng nhận định.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour, hiện nay việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ ngân sách không hề dễ dàng vì cả doanh nghiệp và ngân hàng còn đang lúng túng về tiêu chí, điều kiện và thủ tục cho vay.
Do vậy, để giải quyết bài toán này, các ngân hàng có thể xem xét dựa trên mức thuế đóng góp, nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp trong những năm trước đây; hoặc dựa trên mức độ uy tín, độ lớn của thương hiệu; hay doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, khả thi… để xem xét phê duyệt cho doanh nghiệp vay.
“Chúng tôi không kỳ vọng có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất 0% hoàn toàn, mà ngân hàng có thể căn cứ vào điều kiện doanh nghiệp để đưa ra khung vay lãi suất ưu đãi 2 - 3% cũng rất tốt cho doanh nghiệp hiện nay”, ông Trần Thế Dũng nói.
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho rằng, COVID-19 là một biến cố bất ngờ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và các ngân hàng cũng không ngoại lệ. Nguồn vốn của ngân hàng được huy động từ khách hàng và được quản lý chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước nên cần sử dụng hiệu quả. Bởi lẽ, trong trường hợp nợ xấu gia tăng, sẽ liên quan đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, người ký cho vay.
Do vậy, “nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh những khoản nợ cũ, có giải pháp để giãn nợ hoặc tách bạch phần nợ xấu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19… thì các ngân hàng mới mạnh dạn cho vay. Việc vay tín chấp với khách hàng cá nhân thì dễ, nhưng với khách hàng doanh nghiệp quy định hiện nay chưa rõ ràng về trách nhiệm của công ty, ông chủ công ty nên ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh", ông Hoàng Việt Cường chia sẻ.
Ngoài việc tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục cho vay, các chuyên gia cho rằng, để gói hỗ trợ lần 2 đạt hiệu quả, TP Hồ Chí Minh cần đánh giá lại công tác triển khai thực tế của gói hỗ trợ trước đó. Từ đó, có giải pháp đơn giản hóa thủ tục, quy trình, báo cáo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, khi triển khai bổ sung gói tín dụng với vay lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp cần xác định đối tượng hưởng lợi một cách rõ ràng, minh bạch và có lộ trình kết thúc cụ thể.
Theo đó, có thể xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính với điều kiện phải đáp ứng ít nhất các tiêu chí như: doanh nghiệp nhận hỗ trợ phải là doanh nghiệp có khả năng phục hồi, có tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, cam kết không sa thải nhân viên hoặc sa thải không quá 10%; có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch…
Các chuyên gia cũng cho rằng, trước khi triển khai gói hỗ trợ lần 2, TP Hồ Chí Minh nên xem xét lại các số liệu trong báo cáo hỗ trợ khó khăn do COVID-19. Đó là số liệu trợ cứu cho người dân gặp khó khăn chứ không phải số liệu triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.
“Các chính sách, nghị quyết trước đó đều được ban hành rất kịp thời, đúng nguyện vọng của doanh nghiệp nhưng khi triển khai thực tế thì rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Vấn đề nằm ở chỗ, quá trình triển khai các đơn vị đòi hỏi rất nhiều thủ tục, báo cáo vì sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm, trong khi Nghị quyết chỉ nói về chính sách, không đề cập đến quy trình, thủ tục. Do đó, muốn hỗ trợ hiệu quả cần đánh giá lại công tác triển khai thực tế, làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục, quy trình, báo cáo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng”, một chuyên gia kinh tế đề xuất.