TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản. Vì vậy, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho DN.

Gia tăng số DN "biến mất" khỏi thị trường

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, có đến 36.500 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng tháng 9 là hơn 5.800 DN. Bên cạnh những DN "mất tích" khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh nói trên, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng rất cao. Cụ thể, 9 tháng đầu năm có đến 38.600 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 82% so với cùng kỳ năm trước),  27.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và gần 12.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp sản xuất tại TP Hồ Chí Minh rất cần tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn để duy trì sản xuất trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết qua 2 lần khảo sát gần đây, có đến 84% số DN rất khó khăn. Trong đó, có 44% số DN đang có nguy cơ phải dừng hoạt động vào cuối năm nay vì cạn kiệt nguồn vốn, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, thị trường bị thu hẹp và không còn khả năng trả lương cho công nhân.

Đại diện Công ty Việt Thắng Jeans cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên trong quý 4 này, các DN dệt may chỉ mới nhận được 50% đơn hàng. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu hàng dệt may chưa hồi phục, rất nhiều DN nhỏ phải ngưng sản xuất từ đầu năm đến nay. Số ít chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ nhưng giá trị gia tăng không cao và đang đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động.

Theo Hội DN TP Hồ Chí Minh, vừa qua Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đã có những gói chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn giai đoạn đợt dịch đầu năm. Tuy nhiên, có khoảng 76% DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này, chỉ có 10% số DN được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay... chưa có DN nào được vay lãi suất 0%. Nguyên nhân những gói cho vay vốn với lãi suất hỗ trợ chỉ bó hẹp với những DN truyền thống, còn những DN nhỏ và vừa hoặc DN mới thành lập gần như không được xem xét. Ngoài ra, những kiến nghị về việc ngân hàng nên cải thiện điều kiện cho vay như nới lỏng thủ tục hành chính, xem xét hình thức cho vay tín chấp, cho vay thông qua hình thức thẩm định phương án kinh doanh… cũng chưa được xem xét.

Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, tiến độ thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho DN vẫn chậm, nguyên nhân do các thủ tục hành chính còn quá phức tạp khiến DN phải chờ đợi quá lâu và không thể cầm cự thêm. Từ đầu năm đến nay, không có DN nào của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh được tiếp cận gói vay 62.000 tỷ đồng để trả lương cho công nhân cũng như bảo hiểm xã hội, chỉ có 5% tiếp cận được chính sách khoanh nợ, giãn nợ của các ngân hàng. 

Điều chỉnh các gói hỗ trợ cho DN

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ DN, nhiều DN TP Hồ Chí Minh kiến nghị TP Hồ Chí Minh nói riêng và Chính phủ nói chung phải có những điều chỉnh cấp bách trong các chương trình, gói hỗ trợ vốn cho DN. Theo đó, nên chuyển gói vay trả lương cho công nhân (vốn đang không thực hiện hiệu quả vì chưa có DN nào tiếp cận được) thành hình thức cho DN vay hỗ trợ lãi suất 0%.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh kích cầu du lịch, mua sắm tiêu dùng để khôi phục kinh tế. 

Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp cần tách thành 2 gói hỗ trợ với các chính sách khác nhau. Một là, chính sách dành để “cấp cứu” cho những DN đã bị “kiệt sức” và đang “hấp hối”. Thứ hai, gói tài chính đồng hành hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, công nghệ số để nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất trong điều kiện mới. Trong đó, có tính đến việc gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

“Ngoài ra, đặc thù của DN trong nước là DN vừa và nhỏ, chiếm khoảng 90% và không phải DN nào cũng có tài sản thế chấp vay vốn. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng quỹ bảo lãnh dành cho đối tượng trên. Song song đó, cần xem xét đến những kiến nghị của DN về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thiết lập quỹ bảo lãnh tín dụng, cần có sự tham gia của cơ quan chức năng; gia hạn thuế, giảm thuế VAT và tiền sử dụng đất có thời hạn”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế Chính phủ, cho biết trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ DN hơn nữa để hỗ trợ vốn và gia tăng nội lực cho DN. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố cần hỗ trợ DN tái cơ cấu lại thị trường, chuyển đổi công nghệ sản xuất để DN phục hồi tăng trưởng trên nền chất lượng mới. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh kích cầu du lịch, mua sắm tiêu dùng. Đối với ngân hàng, cần cải thiện các điều kiện cho vay, có thể cho DN vay bằng cách thẩm định các nguồn thu dòng tiền, phương án kinh doanh, tín chấp... 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết TP Hồ Chí Minh hiện có trên 438.000 DN, chiếm 32% cả nước, đóng góp 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP Hồ Chí Minh. Đây là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như phục hồi kinh tế. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ có những cuộc đối thoại với DN trước tiên để giải quyết khúc mắc, khó khăn, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất có thể cho DN trong thời gian tới. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập hợp các ý kiến, phản ánh của DN gửi đến Chính phủ, đồng thời có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp của TP Hồ Chí Minh để các DN có nhu cầu có thể tiếp cận gói hỗ trợ một cách thuận lợi và nhanh nhất.

”Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện các giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn, nhất là tăng cường liên kết để 438.000 DN tạo thành một khối thống nhất, trở thành nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thủ tục thông thoáng cho DN phát triển và khôi phục sản xuất. Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư xem xét và có đề xuất bổ sung một số DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập vào chương trình hỗ trợ kích cầu của TP Hồ Chí Minh để các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ”, ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN