Nâng quy mô sản xuất
Qua tìm hiểu, nhận thấy lợi ích của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại, nhiều nông dân ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình (huyện Tân Thạnh, Long An) mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình điểm của Đề án trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Ông Trần Văn Lù, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình cho hay, ông được tham gia nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn thực hiện Đề án nên nhận thấy việc tham gia Đề án có nhiều lợi ích. Ông tham gia mô hình thí điểm với diện tích 1,8 ha. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Long An triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 8 huyện, thị xã. Giai đoạn 1 (2024 - 2025), Long An tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 60.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới (ngoài vùng Dự án VnSAT) và sẽ mở rộng thêm 65.000 ha, để hướng tới mục tiêu 125.000 ha tham gia Đề án.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh, đối với diện lúa thí điểm thực hiện Đề án tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, tỉnh tiếp tục chính sách khuyến khích, hỗ trợ tương tự vụ đầu tiên để bà con nông dân khắc phục những điểm còn hạn chế, hoàn thiện quy trình canh tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chí của Đề án như: kiểm soát nước, rút nước đầu vụ, phòng trừ dịch hại…
Vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Đồng Tháp nhân rộng mô hình thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại nhiều địa phương. Cùng với mô hình tại huyện Tháp Mười, tỉnh nhân rộng ra 8 huyện còn lại, với 11 mô hình, tổng diện tích hơn 1.300 ha, thực hiện liên tục trong 3 vụ. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ có khoảng 50.000 ha lúa tham gia Đề án và đến năm 2030 nâng lên khoảng 161.000 ha.
Tại Vĩnh Long, từ năm 2024 - 2030, tổng diện tích lúa tham gia thực hiện Đề án là 20.000 ha, ở 7 huyện, thị xã với 30.000 hộ trồng lúa tham gia. Đặc biệt, mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng” (gọi tắt là IPHM) mà Vĩnh Long đang triển khai sẽ góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Mô hình này giúp nâng cao nhận thức của người dân về giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao vai trò kiểm soát sinh học; giảm giá thành sản xuất…, phù hợp với mục tiêu hướng đến của Đề án.
Đối với nhiều nông dân, sản xuất theo các tiêu chí của Đề án là việc “nằm trong tầm tay” bởi bà con đã và đang canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, sinh học. Theo ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm), Hợp tác xã đăng ký thực hiện Đề án là 300 ha trong 3 vụ lúa, bắt đầu từ năm 2025. Điều thuận lợi khi tham gia Đề án này là hợp tác xã đã và đang sản xuất an toàn, hữu cơ, với quy trình sản xuất lúa gắn với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Hợp tác xã đã sẵn sàng, có thể sản xuất theo Đề án ngay vụ mùa tới.
Hỗ trợ thực hiện Đề án
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của các hợp tác xã, các cơ quan, doanh nghiệp, hy vọng Long An sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là hình thành 125.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ông Nguyễn Minh Lâm yêu cầu các địa phương trong vùng thực hiện Đề án cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai Đề án. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; hỗ trợ và phát triển hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.
Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện Đề án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ nông dân. Các địa phương tham gia Đề án cần tổng hợp nhu cầu về thiết bị, máy móc, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối với các công ty, đơn vị hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để thực hiện Đề án, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại là huy động từ nguồn lực xã hội, trong đó, có nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiên phong thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án. Đây là “cú hích”, động lực thúc đẩy các lực lượng tham gia Đề án.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, ngay sau khi Ngân hàng nhà nước ban hành văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank đã ban hành các văn bản hướng dẫn nội bộ, các sản phẩm cho vay cụ thể tới từng nhóm đối tượng khách hàng để tổ chức triển khai Chương trình. Hiện nay, Agribank đang xây dựng sản phẩm cho vay khép kín tới tất cả đối tượng tham gia Chương trình 1 triệu ha lúa, từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa đến các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, đơn vị chế biến xuất khẩu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 262 nghìn tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 82% tổng dư nợ. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với dư nợ gần 33 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12,5% tổng dư nợ.