ĐBSCL trúng mùa lúa, lo về giá

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào những ngày cao điểm thu hoạch lúa vụ hè thu. Thóc lúa đầy bồ nhưng nhiều nhà nông vẫn đang thấp thỏm nỗi lo đầu ra khi thông tin về thị trường xuất khẩu (XK) 6 tháng qua ảm đạm.

 

Cạnh tranh gay gắt


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, vụ hè thu năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống hơn 1,6 triệu ha, ước sản lượng đạt gần 9 triệu tấn lúa, tương đương 4,5 triệu tấn gạo. Sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ trong nước, để lại làm giống và thức ăn gia súc, lượng gạo hàng hóa cho XK sẽ còn khoảng 3 triệu tấn, trong đó hơn 30% là gạo phẩm cấp thấp IR 50404.


Hiện các tỉnh đã thu hoạch hơn 500.000 ha, năng suất bình quân cả vụ ước đạt khoảng 5,2 tấn/ha, cao hơn mức trung bình của vụ hè thu năm 2011 khoảng 0,1 tấn/ha. Gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với các “đối thủ” Ấn Độ, Mianma… vốn có giá bán thấp hơn nên đã tác động không nhỏ đến sức mua từ những bạn hàng truyền thống.


 

Được mùa nhưng nhiều nhà nông đang nặng nỗi lo về giá thu mua lúa.

 

Tại cuộc họp sơ kết tình hình XK gạo 6 tháng đầu năm được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, các tháng đầu năm là thời điểm khó khăn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và hiện tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, 6 tháng qua, cả nước đã XK hơn 3,4 triệu tấn gạo các loại, giảm gần 13% về lượng và giá xuất cũng giảm khoảng 13 USD/ tấn so với cùng kỳ năm 2011.


“Nhiều thị trường vẫn còn dồi dào lượng lúa gạo dự trữ nên chưa có kế hoạch mua thêm như thị trường Philippines (Philíppin), Malaysia (Malaixia) cũng đã ký đủ đơn hàng nhập gạo trắng và chỉ còn khả năng mua tiếp gạo thơm… Trong khi đó, Ấn Độ, Thái Lan, các nước cạnh tranh với Việt Nam về XK gạo lại đang tồn kho lớn và sắp thu hoạch mùa vụ chính nên các nước này chắc chắn sẽ gia tăng lượng bán ra cũng góp phần làm cho sự cạnh tranh về thị trường trở nên khốc liệt hơn”, ông Phong lo lắng.

 

Quyết tâm giữ giá


Trong một động thái giúp nhà nông yên tâm về đầu ra, Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ 500.000 tấn gạo và lần đầu tiên Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa ngay từ đầu vụ. Theo đó, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay ở mức xấp xỉ 4.000 đồng/kg và với mức thu mua trên, nhà nông sẽ có lãi 1.000 đồng/kg.

Riêng trong công tác điều hành 6 tháng cuối năm 2012, các ngành chức năng sẽ tập trung tìm kiếm những giải pháp quyết liệt nỗ lực tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa trong dân đồng thời giữ giá lúa không giảm sâu gây bất lợi cho thị trường. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, bắt đầu từ ngày 10/7, Hiệp hội đã chỉ định 92 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa hè thu và nỗ lực trong vòng 1 tháng đạt kế hoạch được giao. Ngoài tập trung thu mua lúa trong dân, các doanh nghiệp đang nỗ lực xoay xở tìm mọi cách gia tăng XK để giải phóng lượng gạo tồn kho.


“Qua cân đối, tổng lượng gạo hàng hóa cho XK năm 2012 sẽ ở mức khoảng hơn 8,3 triệu tấn. Do đó, chúng tôi đã mạnh dạn nâng kế hoạch XK của năm nay từ 6,5 triệu tấn lên 7 triệu tấn gạo, số còn lại dành gối đầu cho năm sau. Hiện chúng tôi đang rất lạc quan vào sự gia tăng nhập khẩu từ các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản…”, ông Bảy cho biết.


Khảo sát của phóng viên, sau thời gian giảm giá khá mạnh, trước thông tin Chính phủ cho mua tạm trữ nửa triệu tấn quy gạo, thị trường lúa hè thu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu sôi động trở lại và thương lái đang tăng cường thu mua lúa trong dân. Giá lúa khô tại kho loại thường tại các tỉnh như Sóc Trăng, An Giang… hiện ở mức 5.100 - 5.300 đồng/kg, lúa dài từ 5.200 - 5.400 đồng/kg, tăng thêm từ 200 - 500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 6. “Do giá lúa tăng đã kéo theo giá gạo hàng hóa cũng tăng nhẹ. Gạo nguyên liệu loại 1 đang tăng thêm 200 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm gạo 25% tấm tăng 300 đồng/kg… Đây là những tín hiệu vui cho nhà nông cũng như thị trường lúa gạo nước ta”, ông Bảy phấn khởi nói.

 

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN