Nguyên nhân dẫn đến hạn mặn
Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh yếu tố thời tiết ít mưa, biến đổi khí hậu, tác động của các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công cũng là một trong những nguyên nhân chính.
Trước câu hỏi “các đập thủy điện trên sông Mê Công tích nước có phải là nguyên nhân khiến hạn, mặn nghiêm trọng hơn”, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, thủy điện không làm thay đổi tổng lượng nước nhưng làm thay đổi thời gian nước di chuyển xuống hạ nguồn. Trong những năm bị tác động bởi hiện tượng El Nino, mưa ít, các nhà máy thủy điện phải tăng cường tích nước.Trong tình huống những năm khô hạn thiếu nước, nước muốn đi qua một chuỗi các đập này phải mất nhiều thời gian.
“Không phải nguyên nhân gây ra thiếu nước ban đầu nhưng gặp tình huống khô hạn, thủy điện làm chậm đường đi của nước rất lâu và làm cho tình trạng hạn, mặn gay gắt càng gay gắt thêm”, ông Thiện phân tích.
Thông báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, việc đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Công giảm xả nước trong những ngày đầu tháng 1/2020 đã có tác động đến dòng chảy từ thượng nguồn xuống hạ lưu sông Mê Công.
Theo đó, lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện của Trung Quốc xuống hạ lưu giảm 800-1.000 m3/giây vào các ngày từ 1-3/1/2020 và thấp nhất trong ngày 4/1 là 504 - 800 m3/giây, trước khi duy trì vận hành bình thường trở lại. Tác động của việc giảm xả nước từ đập thủy điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng ra các vùng ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm cuối tháng 1/2020...
Do ảnh hưởng của việc này, lưu lượng nước bình quân tháng 2/2020 qua trạm Kratie (Campuchia) trên dòng chính sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 2.374 m3/giây, giảm 43% so với năm 2018. Mực nước đo được tại trạm Kratie ngày 14/2 là 6,67 m, thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2016 - năm xảy ra đợt hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long là 0,7 m. So với cùng kỳ, mực nước các trạm đầu nguồn Tân Châu và Châu Đốc hiện thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,26 - 0,43 m và thấp hơn năm 2016 là 0,2 - 0,23 m.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, việc tích nước của đập thủy điện ở Trung Quốc diễn ra vào đúng thời điểm hạn hán đang diễn ra ở khu vực hạ lưu sông Mê Công. Điều này sẽ khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 được dự báo là rất nghiêm trọng. Khả năng xảy ra hạn, mặn kỷ lục cao hơn mùa khô 2015-2016 là có thể.
Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy, trong tháng 2/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức rất thấp, kéo theo tình hình xâm nhập mặn trong tháng 2 sẽ rất nghiêm trọng, nhất ở khu vực các cửa sông. Tại các sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long như sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn, chiều sâu xâm nhập mặn với ranh mặn 4g/lít tính từ cửa sông có phạm vi ảnh hưởng từ 95 - 100 km, sâu hơn năm 2016 từ 3 - 15 km...
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nồng độ mặn dưới 0,5g/lít (0,5‰) mới được tưới cho cây trồng, gồm cả cây lúa và cây ăn trái, dù ở bất cứ giai đoạn nào. Đối với vườn cây ăn trái, mặn vào trong các mương rất nguy hiểm, nông dân cần cẩn trọng trước khi tưới cho cây. Bởi lẽ, nồng độ muối 0,5-1g/lít, khi nếm không nhận biết được nhưng sẽ gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây trồng.
Với sản xuất cây giống, nước mặn nồng độ 1g/lít nếu tưới sẽ gây chết toàn bộ. Bài học này đã từng diễn ra tại Vĩnh Long, Bến Tre hồi năm 2015 - 2016. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị nông dân chú ý, thường xuyên theo dõi các thông báo về chất lượng nước trên phương tiện thông tin đại chúng trước khi tưới tiêu để đảm bảo an toàn.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Nhiều địa phương trong vùng đã xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có hạn chế ảnh hưởng của hạn mặn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm hạn chế ảnh hưởng, “sống chung” với hạn mặn và phát triển bền vững.
Trước dự báo tình hình hạn mặn có thể diễn ra khốc liệt, ngay từ tháng 11/2019, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch về phòng chống hạn mặn, sau đó phê duyệt kịch bản ứng phó tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai cả giải pháp phi công trình và giải pháp công trình để ứng phó hạn mặn.
Ở giải pháp phi công trình, Sóc Trăng khuyến cáo người dân tích cực trữ nước ngọt trong các kênh mương, đảm bảo đủ cung cấp cho cây lúa đến giai đoạn trổ đòng; kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng ruộng. Đối với vùng Kênh Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh phối hợp với tỉnh Bạc Liêu trong việc vận hành cống, theo dõi chặt chẽ lịch đóng, mở cống của Bạc Liêu để thông báo kịp thời cho người dân chủ động bơm trữ nước vào ruộng trước khi mặn xâm nhập. Đối với cây rau, màu, tỉnh chỉ đạo sử dụng loại cây trồng phù hợp với vùng hạn mặn, cây cần ít nước, sử dụng màng phủ nhằm giữ ẩm cho đất, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm...Khi có nguy cơ bị hạn mặn, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ, màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây.
Trong giải pháp công trình, Sóc Trăng đã sửa chữa kịp thời các cống ngăn mặn, vận hành điều tiết phù hợp các cống, gia cố bờ bao, làm tốt công tác nước sạch nông thôn. Tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư dự kiến trên 1.300 tỷ đồng, trong đó, đầu tư 3 trạm bơm tại các cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe phục vụ bơm bổ sung nước ngọt cho vùng Long Phú - Tiếp Nhật; đầu tư nạo vét hệ thống các kênh trục tạo nguồn trữ nước ngọt, tăng cường thêm 7 cống ngăn mặn dọc sông Hậu.
Dự báo của cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt, ảnh hưởng khoảng 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân 2020, tập trung ở khu vực thị xã Giá Rai, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long. Khoảng 5.000 ha lúa trên đất nuôi tôm có nguy cơ thiếu nước ngọt làm giảm năng suất. Ngoài sản xuất, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân có thể gặp khó khăn, dễ phát sinh một số dịch bệnh trên người trong thời kỳ cao điểm mùa khô.
Để ứng phó diễn biến thiên tai bất lợi, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô 2019 - 2020, từ đó chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ngành Nông nghiệp, các địa phương và người dân chủ động biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống bệnh trên cây trồng vật nuôi. Các ngành, cơ quan có liên quan chủ động triển khai giải pháp cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn
Trong chuyến khảo sát đánh giá tình hình hạn mặn tại hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguy cơ hạn, mặn năm nay khốc liệt hơn năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, năm nay có cảnh báo, kế hoạch sớm, nhiều địa phương đã hạn chế thiệt hại do hạn mặn.
Kiểm tra cống âu thuyền Ninh Quới, công trình đầu tư 400 tỷ đồng vừa mới hoàn thành đưa vào vận hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mùa hạn mặn này có cống âu thuyền Ninh Quới sẽ góp phần kịp thời ứng phó tình hình hạn, mặn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Bạc Liêu theo dõi chặt chẽ diện tích xuống giống muộn của tỉnh. Bên cạnh đó, Âu thuyền Ninh Quới phải sớm hoàn chỉnh quy trình vận hành, quản lý để chuyển giao cho tỉnh. Toàn bộ khu vực phía Nam Quốc lộ 1A phải tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng các âu thuyền; rà soát tới những vùng xa nhất...
Cống âu thuyền Ninh Quới do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11/2018, trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc địa bàn ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750 mét, công trình có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng tháng 12/2019, rút ngắn thời gian thi công sớm hơn 14 tháng so với dự kiến.
Mục tiêu của dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần cùng với những công trình khác đã xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Về lâu dài, dự án tạo điều kiện chuyển nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu; đồng thời dự án còn nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.
Theo ông Dương Thành Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Công trình cống Âu thuyền Ninh Quới nằm trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Khi có cống âu thuyền Ninh Quới, việc điều tiết nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Không riêng cống âu thuyền Ninh Quới, để ứng phó với hạn mặn có hiệu quả, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất cần những công trình có tính liên kết vùng để không xảy ra tình trạng địa phương này cần nước mặn nuôi tôm nhưng địa phương bên cạnh lại cần nước ngọt trồng lúa trong khi đường dẫn nước chỉ có một. Điều cần quan tâm của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay là quy hoạch có sự phối hợp, chỉ đạo có sự thống nhất, thực hiện đồng bộ và nguồn vốn đầu tư đúng mục đích.
Bài cuối: Chủ động ứng phó