Người dân xếp hàng tại quầy nộp hồ sơ và trả GPLX tại Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú).
TP Hồ Chí Minh hiện có 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX, gồm: Điểm số 252 Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3; Điểm số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 và Điểm số 111 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú (Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ).
Đặc biệt, điểm tại Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ là điểm duy nhất có khu vực khám sức khỏe trong 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) nên số lượng người đến đây nộp hồ sơ rất đông.
Từ sáng sớm ngày 17/2, người dân đã đổ về Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ để làm hồ sơ cấp, đổi GPLX.
Bãi đỗ xe máy và khu vực tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX kín chỗ.
Khu vực ngồi chờ khám sức khỏe và tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX đã sớm đã kín chỗ; nhiều người đứng, ngồi chờ gọi tên. Bên trong quầy, nhân viên tiếp nhận hồ sơ và đổi, cấp lại GPLX (thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) làm việc không ngơi tay. Phía bên ngoài quầy, đơn vị cũng bố trí nhiều nhân viên đứng hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục nộp hồ.
Người dân đợi đến lượt vào khám sức khỏe.
Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ là điểm duy nhất có khu vực khám sức khỏe nên số lượng người đến nộp hồ sơ ở đây rất đông.
Anh Đỗ Anh Minh (quê Bình Thuận), chia sẻ: “Bằng lái xe hạng C của tôi tới ngày 18/2 là hết hạn, do quá cận ngày và đang chạy xe ở TP Hồ Chí Minh, nên tôi ghé làm hồ sơ đổi lại GPLX tại đây cho tiện. Vì sợ đông, nên tôi đến đây chờ từ lúc 4 giờ. Tôi đã khám sức khỏe, nộp hồ sơ, giờ chờ vào chụp hình nữa là xong”.
Người dân xếp hàng mua hồ sơ.
Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ đã huy động nhân lực hỗ trợ người dân từ 6 giờ sáng để nộp hồ sơ.
Khu vực chụp hình làm hồ sơ đổi GPLX.
Tương tự anh Nguyễn Văn Nam (ngụ quận Tân Phú), cho biết: “GPLX B2 của tôi đến ngày 16/3 này là hết hạn. Do thời gian gấp rút, nên hôm nay tôi đến đây để đổi GPLX từ hạng B2 sang C1 theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, để tiếp tục công việc chạy xe”.
“Theo Luật mới sửa đổi thì bằng B2 của tôi chỉ dành cho xe gia đình và bị hạn chế về trọng tải, chỉ được tối đa 3,5 tấn, còn bằng C1 được điều khiển xe từ 3,5 - 7,5 tấn. Trong khi đó, xe kinh doanh của tôi tổng trọng tải là 4,9 tấn, nếu tôi dùng bằng B2 thì không lái được, nên tôi đổi sang bằng C1 để phục vụ cho công việc sắp tới”, anh Nam cho biết thêm.
Người dân tìm hiểu thông tin hướng dẫn để nộp hồ sơ, đổi bằng.
Người dân đóng tiền tại quầy nộp hồ sơ và trả GPLX.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ cho biết: “Từ sau Tết trở lại đây, mỗi ngày trường tiếp nhận khoảng 600 - 700 hồ sơ/ngày. Do người dân đến đổi GPLX đông, nên gần như ngày nào trường cũng trong tình trạng quá tải”.
“Trung tâm bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng, nhưng từ 6 giờ sáng, nhà trường đã huy động nhân lực hỗ để hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ cho người dân, để khi vào xếp hàng thì bộ hồ sơ đã đầy đủ, không phải chờ đợi quá lâu. Những ngày gần đây, chúng tôi làm việc tới 20 giờ mới nghỉ, thậm chí có ngày tới 21 giờ vẫn chưa xong việc”, bà Thảo cho biết thêm.
Nhân viên trả GPLX làm việc không ngơi tay.
Theo bà Thảo, do thông trên mạng, cộng thêm tâm lý lo lắng, nên tình trạng người dân đổ xô đi làm thủ tục cấp, đổi GPLX rất đông, mặc dù thực tế chưa cần thiết phải đổi ngay.
“Có những trường hợp GPLX còn 2 năm mới hết hạn, nhưng vẫn đi đổi, hoặc có những người không mất bằng nhưng làm thủ tục mất bằng để xin cấp lại GPLX khác và có nhiều người xin đổi GPLX từ B2 qua C1, trong khi chỉ chạy xe gia đình. Thực trạng này cũng dẫn đến vấn đề thiếu phôi GPLX càng trở nên trầm trọng hơn”, bà Thảo chia sẻ.