Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc phân bổ, đẩy mạnh đầu tư công vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương khẩn trương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Là cơ quan thực hiện kiểm soát và giải ngân nguồn vốn, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng, Kho bạc Nhà nước tại các tỉnh, thành phố đã từng bước đốc thúc tiến độ giải ngân của từng dự án, kịp thời trao đổi những vướng mắc phát sinh để có biện pháp giải quyết theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 2 bài về những nỗ lực của ngành kho bạc nhà nước vào nhiệm vụ chung của các cấp, ngành, các địa phương trong tiến độ đẩy nhanh tiến độ giải ngân dòng vốn này.
Bài 1: Tăng sự phối hợp, không để vốn tồn dư
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc phân bổ, đẩy mạnh đầu tư công vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương khẩn trương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng, Kho bạc Nhà nước tại các tỉnh, thành phố đã từng bước đốc thúc tiến độ giải ngân của từng dự án.
Dự án cầu Á Lữ ngay trung tâm thành phố Bắc Giang, bắc qua sông Thương có chiều dài hơn 1 km được kỳ vọng sẽ đánh thức kinh tế khu vực phía Tây, kết nối giao thông với trục tỉnh lộ, Quốc lộ 17 đi cao tốc và hướng về khu công nghiệp Việt Yên có số vốn đầu tư khoảng 344 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2022 và đang được thi công khẩn trương ngày 3 ca, dự kiến sẽ hoàn thành trước kế hoạch 1 tháng trước ngày 30/6.
Ông Nông Bằng Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Giang - đơn vị quản lý dự án cho biết, tính đến thời điểm hiện nay thì giá trị dự án ước đạt gần 80% khối lượng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì hàng tuần, ban quản lý dự án đều nghiệm thu theo công việc, đủ khối lượng thì sẽ làm thủ tục thanh toán ngay không để tồn dư.
Nói thêm về các dự án trên địa bàn thành phố, theo ông Nông Bằng Sơn, năm nay thành phố Bắc Giang có 114 dự án với tổng đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, do đó ngay ngay từ đầu năm, Ban Quản lý dự án đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước Bắc Giang triển khai tốt các hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng thanh toán ngay khối lượng hoàn thành cho dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố.
Đánh giá về sự phối hợp giữa ban quản lý dự án với kho bạc tỉnh, ông Nông Bằng Sơn cho biết, đã hai đơn vị đã kịp thời trao đổi những vướng mắc phát sinh để có biện pháp giải quyết theo đúng thẩm quyền, qua đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Ban Quản lý dự án đạt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
“Trong năm 2022 Ban Quản lý dự án đã hoàn thành thanh toán vốn cho 114 dự án với tổng kinh phí giải ngân là 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch vốn cần giải ngân của thành phố rất lớn, do vậy chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước Bắc Giang ngay từ đầu năm, triển khai tốt việc chuẩn bị để sẵn sàng thanh toán ngay khối lượng hoàn thành cho dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố”, ông Nông Bằng Sơn nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Thọ, một địa phương thuộc vùng Trung du và miền múi phía Bắc, kinh tế còn có mặt hạn chế, đến giữa tháng 12/2022 tỉnh đã phân bổ 100,6% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2023 với tổng số 4.047/ 4.022 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương 2.459 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.587 tỷ đồng (tăng 25 tỷ đồng từ nguồn vốn bội thu ngân sách địa phương). Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay tỉnh Phú Thọ đã giải ngân được trên 17% kế hoạch được giao cả năm và cao hơn mức trung bình của toàn quốc.
Là ban quản lý triển khai các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn cho biết, đến thời điểm hiện tại vốn đã bố trí cho các dự án là 128 tỷ đồng, vốn giải ngân là 30,5 tỷ đồng đạt 24% kế hoạch.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, ngoài việc đôn đốc các nhà thầu khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên họp giao ban kiểm điểm tiến độ ngay tại công trường... thì ban quan lý luôn theo dõi đôn đốc nhà thầu, cập nhật, đo đạc tính toán sẵn đề sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu trong việc nghiệm thu thanh toán giai đoạn, rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Qua đó, hồ sơ thanh toán giai đoạn của nhà thầu được gửi đi Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán, nhà thầu cũng được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng tái sản xuất cho các nhiệm vụ tiếp theo. Nhờ vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công được thường xuyên, liên tục, không có hồ sơ để dồn cuối năm, giảm áp lực kiểm soát thanh toán cho cả ban quản lý dự án và Kho bạc Nhà nước.
Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tiến độ giải ngân của cả nước vẫn còn chậm. Ông Nông Băng Sơn thừa nhận, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không phụ thuộc nhiều vào yếu tố nguồn vốn mà chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các dự án. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm như vướng mắc về cơ chế, về giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cũng như việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng luôn luôn gặp khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án...
Trong khi đó, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang ông Thực cho biết, ngoài những nguyên nhân trên thì khối lượng hoàn thành được nghiệm thu của các dự án dồn vào những tháng cuối năm dẫn đến số lượng hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước tăng đột biến. Tổng số hồ sơ, chứng từ tiếp nhận của
Kho bạc nhà nước tỉnh Bắc Giang tháng 01/2023 là 1.315 hồ sơ, gần tương đương với tháng 12/2022 (gần 1.500 hồ sơ) và tăng gấp 3 lần so với tháng 10 và 11/2022. Riêng 4 ngày từ ngày 16/01-19/01/2023 số hồ sơ là 351, bằng 80% tổng số hồ sơ nhận tháng 11/2022. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bài cuối: Đơn giản hóa thủ tục, tạo đột phá bằng dịch vụ công