Đẩy mạnh phối hợp chỉ đạo trong quản lý thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo trong quản lý thuế.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh phối hợp chỉ đạo trong quản lý thuế. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và đẩy mạnh việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2024 không vượt quá 8% và tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm 2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Bên cạnh đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị vào xử lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ. 

Theo đó, về triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đề nghị thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện Cục Thuế, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa thể thao du lịch, Sở Giao thông vận tải...; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện. 

Các ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử nói chung, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. 

Ngoài ra, cần rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo...

Cùng với đó, thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng theo Kế hoạch triển khai của Cục Thuế). 

Bộ Tài chính cũng đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các đơn vị kinh doanh đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ hóa đơn điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập hóa đơn điện tử, vi phạm pháp luật về thuế.

Thùy Dương (TTXVN)
Áp dụng AI và quản lý thuế theo rủi ro để chống gian lận thuế
Áp dụng AI và quản lý thuế theo rủi ro để chống gian lận thuế

Tại Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 13/5, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Ngành Thuế đang có những nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro giá bất thường, đặc biệt triển khai hiệu quả quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN