Giảm chi phí cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế
Nền kinh tế số đang mang đến những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức trong quản lý thuế.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm này, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).
“Trong những năm qua, ngành Thuế đã chú trọng quản lý rủi ro (QLRR) tuân thủ pháp luật thuế, trong đó thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Tổng cục Thuế đã xây dựng các Bộ Chỉ số tiêu chí (CSTC), quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và kiểm tra sau hoàn; giám sát chặt chẽ việc sử dụng hoá đơn của người nộp thuế (NNT)”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Hiện ngành Thuế đã xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn; bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử (HĐĐT) để phát hiện rủi ro giá bất thường, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ.
Theo bà Ngô Thị Thùy Linh - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), QLRR tuân thủ là phương thức quản lý thuế hiện đại, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh số lượng NNT tăng nhanh với tính chất hoạt động phức tạp.
“Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp ngành Thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất, từ đó xử lý rủi ro phù hợp, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ”, bà Ngô Thị Thùy Linh cho biết.
Đề cập về việc thu thập hiệu quả cơ sở dữ liệu (CSDL), bà Ngô Thị Thùy Linh cho biết: Ngành Thuế đã quản lý dữ liệu theo cơ chế quản lý tập trung. Theo đó, dữ liệu về thuế được chuyển từ các địa phương về tập trung tại Tổng cục Thuế.
Việc xây dựng CSDL này được đồng bộ thường xuyên và liên tục đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc phân tích rủi ro. Tổng cục Thuế đã thu thập dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; thông tin về các hồ sơ khai thuế; nộp thuế; nợ thuế; miễn giảm thuế; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế; hoàn thuế; đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT.
Đối với NNT là cá nhân, hộ kinh doanh, ngành Thuế đang xây dựng Bộ CSTC áp dụng QLRR trong quản lý cá nhân, hộ kinh doanh, dự kiến ban hành năm 2024. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Thùy Linh thừa nhận: Việc triển khai QLRR trong quản lý Thuế còn gặp nhiều bất cập, đó là QLRR mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế, chưa xây dựng và triển khai chương trình QLRR tuân thủ tổng thể về thuế và hệ thống quản lý toàn diện về phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.
“Vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế vẫn đang chỉ dưới hình thức ‘Ban mềm’, tức là trên cơ sở điều động, biệt phái các cán bộ ở các đơn vị trong Tổng cục”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Công khai thông tin, tăng cường thanh tra đơn vị không tuân thủ
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam cho biết: Theo Luật Quản lý thuế, rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của NNT dẫn đến thất thu ngân sách. Thông qua phân tích rủi ro, cơ quan Thuế sẽ phân loại mức độ tuân thủ người nộp thuế từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Hiện, cơ quan Thuế đã cung cấp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử gần 100% đối với doanh nghiệp. Việc triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
“Bên cạnh việc thực hiện điện tử hóa trong quản lý thuế rủi ro, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho NNT tuân thủ cao, cần kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác như giãn thời gian thanh tra kiểm tra... Đối với các đơn vị không tuân thủ áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra…; công khai khen thưởng, khuyến khích tăng tự nguyện tuân thủ với NNN chấp hành tốt”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đề xuất.
Để QLRR trong quản lý thuế hiệu quả, đại diện Tổng cục Thuế đề xuất: Cần hoàn thiện môi trường hệ thống trung tâm phân tích dữ liệu gồm: Tổ chức hệ thống phân tích dữ liệu theo thời gian thực, bố trí các máy chủ đảm bảo lưu trữ các dữ liệu cần cho phân tích rủi ro; triển khai các phần mềm hệ thống cho CSDL lớn, phần mềm hệ thống thao tác CSDL, phần mềm hệ thống hỗ trợ chạy phân tích dữ liệu.
“Xây dựng Bộ CSTC áp dụng phân tích rủi ro quản lý tuân thủ tổng thể với đầy đủ các chức năng nghiệp vụ quản lý thuế; kết hợp giữa kết quả phân tích dữ liệu thực tế kê khai của NNT và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp.
Cụ thể, thông qua việc xây dựng Bộ CSTC phân tích rủi ro, kết quả thanh tra kiểm tra NNT kết hợp với quản lý trực tiếp NNT để đánh giá mức độ tuân thủ đối với từng phân đoạn NNT (theo quy mô, theo sắc thuế, theo từng khâu quản lý thuế, theo loại hình kinh tế, ngành nghề kinh doanh,…), từ đó có biện pháp quản lý phù hợp”, bà Ngô Thị Thùy Linh kiến nghị.
Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai áp dụng QLRR tuân thủ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi xây dựng được một hành lang pháp lý vững chắc, xây dựng được cơ sở dữ liệu đảm bảo tính chính xác đầy đủ và kịp thời; xây dựng được Bộ Chỉ số tiêu chí đảm bảo nhận diện được các dấu hiệu rủi ro đầy đủ và phải được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin phân tích dữ liệu lớn tự động.