Áp dụng quản lý rủi ro để kiểm soát chặt mặt hàng phòng, chống COVID-19

Tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các đối tượng tìm mọi cách buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt hàng hóa phòng chống dịch. 

Chú thích ảnh
 Số bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 lậu bị tịch thu. Ảnh: Tin tức/TTXVN.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết: “Những ngày cuối tháng 2/2022 và đầu tháng 3/2022, số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến khiến nhu cầu sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19…tăng mạnh khiến mặt hàng này rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu”, thậm chí khan hiếm”.

Để ngăn chặn tình trạng trên, ở khu vực biên giới, các lực lượng chức năng (biên phòng, hải quan, công an) đã tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro để kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu các mặt hàng này tại cửa khẩu, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại (về số lượng, chủng loại, khai sai tên hàng…) nhằm trục lợi.

“Trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường các cấp cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19”, đại diện BCĐ 389 Quốc gia cho biết.

Theo BCĐ 389 Quốc gia, cơ quan y tế cần tăng cường nguồn lực, quy định cụ thể để các tổ chức y tế cơ sở có đủ điều kiện phục vụ người dân khi có nhu cầu làm xét nghiệm COVID-19. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền tốt về việc công khai giá đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19; phổ biến các quy định cụ thể về quy trình sử dụng làm sao hiệu quả, tiết kiệm tại nhà, tránh tâm lý hoang mang, lãng phí không cần thiết, không tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng bán mặt hàng này để trục lợi.

“Cần chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Từ nay tới cuối năm, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia tiếp tục thực hiện tốt việc đánh giá, nhận diện, dự báo những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn mới, lĩnh vực, tuyến, địa bàn phức tạp để tham mưu đề xuất, ban hành các phương án, kế hoạch, kiểm tra xử lý kịp thời; tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc (về cơ chế, quan hệ phối hợp và khó khăn vướng mắc khác) để kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Thu giữ 1.800 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc
Thu giữ 1.800 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc

Chiều 18/3, Công an tỉnh Nam Định cho biết, 1.800 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vừa bị Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện, thu giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN