Chuyển đổi mô hình kinh doanh
Theo số liệu khảo sát của ngành chức năng, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 249.000 hộ cá thể, 270.000 DN đăng ký hoạt động, thế nhưng tỷ lệ nộp thuế hộ cá thể chỉ chiếm 2% so với 98% của DN. Điều này chứng tỏ buôn bán nhỏ lẻ không hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của các hộ kinh doanh cá thể là không cao. Theo đó, mục tiêu đến năm 2017, thành phố có 50.000 DN và năm 2020 sẽ đạt 500.000 DN. Muốn đạt được con số này lãnh đạo thành phố nỗ lực khuyến khích, vận động các hộ kinh doanh cá thể thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh sang DN.
"Sự chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN sẽ giúp kinh tế thành phố tăng trưởng ở mức bền vững. Do đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là điều kiện cần thiết để các hộ kinh doanh tái cơ cấu lại ngành nghề, mặt hàng kinh doanh để phát triển bền vững hơn", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Chuyển đổi sang mô hình DN sẽ giúp các hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh bài bản hơn |
Thực tế việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ cá thể sang DN lại đang gặp không ít khó khăn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn thành phố hiện có 296.838 hộ kinh doanh, trong đó có 1.182 hộ kinh doanh sử dụng trên 10 lao động. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay Sở đã tiếp nhận 7 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể đăng ký chuyển đổi hoạt động sang mô hình DN. Sở cũng đã xử lý và trả kết quả cho 5 DN, còn lại 2 hồ sơ đang chờ bổ sung do các hộ này đăng ký thành lập DN tư nhân nên cần phải quyết toán thuế của phần hộ kinh doanh trước khi thành lập DN tư nhân.
Nhiều quận, huyện cũng đang găp nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi. Đơn cử tại quận Bình Chánh có 1.430 hộ kinh doanh, trong đó 110 hộ có 10 lao động – đủ điều kiện lên DN, song địa phương mới chỉ vận động 2 hộ. Tương tự, quận Thủ Đức có 14.834 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 6 hộ đang thực hiện chuyển đổi.
“Kinh doanh nhỏ lẻ lợi nhuận không bao nhiêu giờ chuyển đổi qua mô hình DN chắc chắn chi phí các khoản đầu vào sẽ tăng cao. Nếu bắt buộc phải chuyển tôi lại phải tính toán lại các chi phí để có thể phát triển được cửa hàng và giảm tối đa các chi phí”, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ đại lý gạo trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) cho biết.
Cần chính sách hỗ trợ
Liên quan đến việc chuyển đổi kinh doanh cá thể sang DN, đại diện UBND quận Bình Chánh cho rằng, điều kiện chuyển đổi không nhất thiết chỉ áp dụng với hộ kinh doanh có 10 lao động trở lên. Bởi vì có nhiều hộ có lực lượng lao động không đến 10 người nhưng kinh doanh rất hiệu quả. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi hiệu quả, đa số các hộ kinh doanh đều mong muốn thành phố phải có chính sách hỗ trợ hộ cá thể chuyển đổi DN. Còn chỉ là khuyến khích và vận động thì các hộ không muốn chuyển đổi.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc có ít hộ kinh doanh chuyển sang mô hình DN, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hầu hết các chủ hộ kinh doanh chưa am hiểu về thủ tục hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh cho nên các hộ sợ việc chuyển đổi làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do mất đi thương hiệu.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay có 190.000 hộ cá thể có mã số thuế. Hiện thành phố có 2.000 tỷ kích cầu và 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế các quận, huyện nên nhanh chóng quyết toán thuế cho các hộ để hoàn thiện hồ sơ thành lập trong nghiệp.
Trước kế hoạch chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh cá thể sang DN nhằm tạo sự phát triển ổn định, tăng trưởng cao hơn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian tới, các quận huyện phải tiếp tục khảo sát nắm chắc tình hình kinh doanh của hộ cá thể, từ đó có giải pháp cụ thể mang tính chất vận động tuyên tuyền, hướng dẫn sát sao; tập huấn thuế về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội... giúp các hộ yên tâm chuyển đổi.
“Mục tiêu của việc chuyển đổi loại hình kinh doanh không chạy theo chỉ tiêu mà phải làm sao để hộ kinh doanh cá thể phải chuyển đổi, phát triển bền vững bằng cách tạo điều kiện để các hộ cá thể phát huy đúng khả năng của họ. Không thể chạy theo mục tiêu mà khi chuyển đổi thành DN rồi họ lại không hoạt động được”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.