Đẩy lùi chất cấm chăn nuôi trong năm 2017

Sau một thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã được khống chế. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Năm 2017, tiếp tục là năm cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tầm soát chặt chẻ dư lượng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Xin ông cho biết những điểm mới trong Kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của năm 2017?

Điểm mới trong năm 2017 là bổ sung an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, còn mở rộng đối tượng thanh tra, kiểm tra. Đồng thời có nhiều nội dung mới, giải pháp mới.

Ban cán sự Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Nghị quyết về tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ cũng như trách nhiệm của công chức trong hoạt động về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Kế hoạch mà Bộ vừa ban hành, Thanh tra Bộ, các Cục và các đơn vị phải tăng cường thanh tra công vụ. Kế hoạch cũng nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý vật nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có nhiều nội dung như kiểm dịch, đưa sản phẩm vào danh mục, phòng thí nghiệm, các tổ chức được chỉ định... làm sao để tất cả các hoạt động công vụ của các cơ quan thuộc Bộ về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng chức trách của cán bộ công chức.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định, nếu như đơn vị nào để xảy ra vụ việc như đã xảy ra trong năm 2016 (802 sản phẩm thủy sản) thì sẽ bị xử lý hành chính.

Theo tôi, nếu làm tốt các việc này thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông, chế tài nào được coi là đủ sức răn đe đối với tình trạng sử dụng chất cấm?

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát lại toàn bộ Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là việc Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự. Đây mới là vấn đề đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương tới địa phương thì chỉ sau thời gian ngắn sẽ giải quyết được vấn đề vi phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau Salbutamol, Vàng O thì chất cấm nào sẽ bị loại bỏ trong năm 2017, thưa ông?

Đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức đưa chất Cysteamine vào danh mục chất cấm trong chăn nuôi. Như vậy, dứt khoát là trong năm nay sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm này trong chăn nuôi. Tôi cho rằng việc này dễ dàng hơn việc ngăn chặn chất Salbutamol như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng hóa chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi, chủ yếu xảy ra ở các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc này Thanh tra Bộ đã cảnh báo rồi và việc này có thể khống chế được.

Bên cạnh đó, nếu như Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự trong kỳ họp tới thì có thể khẳng định tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ không còn nữa. Bởi vì, hiện nay nhận thức của người chăn nuôi, nhà sản xuất đã thấy rất rõ tác hại của chất cấm rồi. Bên cạnh đó, mức xử phạt cũng tương đối nặng nên đã hạn chế được tình trạng này.

Đồng thời, năm 2017 sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để làm sao các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh phải đúng theo quy định của pháp luật.

Một điểm mấu chốt nữa liên quan đến phân bón, sắp tới có thể Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý toàn bộ hệ thống phân bón. Từ đó, Bộ sẽ chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống này. Như vậy, trong một thời gian ngắn nữa sẽ chấn chỉnh được tình trạng vi phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón hiện đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận.

Ông có thể nói rõ hơn về chất Cysteamine?

Theo các tài liệu của các doanh nghiệp thì chất này được sử dụng từ năm 2014. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sử dụng không thường xuyên. Trong giai đoạn trước năm 2016, việc sử dụng Salbutamol phổ biến thì họ không sử dụng Cysteamine nữa. Tuy nhiên, khi chúng ta khống chế được chất Salbutamol thì họ lại sử dụng chất này.

Cysteamine cũng là một chất tiền hormon để kích thích tăng trưởng. Hiện nay, chất này chỉ có ở Trung Quốc là cho phép sử dụng còn lại hầu hết các nước đều cấm. Các doanh nghiệp nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc, bởi nước này vẫn đang cho phép sử dụng.

Để thực hiện tốt công tác thanh tra trong năm 2017, ông có đề xuất giải pháp gì?

Tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương của toàn bộ 63 tỉnh, thành. Kết quả trong năm 2016 đã thể hiện rõ điều này. Do đó, năm 2017 cần phải tiếp tục thực hiện việc này. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông là rất quan trọng, làm sao để cho mọi người nâng cao được nhận thức về tác hại của chất cấm.

Xin cảm ơn ông!

Thành Trung (Thực hiện)
Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn bị buông lỏng
Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn bị buông lỏng

Chiều 22/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với Bộ Y tế về quản lý vaccine và thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN