Đằng sau con số xuất khẩu kỷ lục - Bài 2: Thuế về 0 nhưng 'hàng rào' bảo hộ giăng mắc

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không chú trọng đến chất lượng, đáp ứng quy định xuất khẩu thì hàng hóa Việt Nam sẽ khó vào được các thị trường lớn, nhất là khi các "hàng rào" chất lượng và kỹ thuật ngày một nhiều và khó khăn hơn.

Quy chuẩn ngày một khắt khe

Trung Quốc vốn được coi là thị trường khá dễ tính với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi các tiểu chuẩn hàng hóa không quá khắt khe. Nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.

Kể từ ngày 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây sẽ phải cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”. Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.

Thương lái thu mua dứa tại Mường Khương, Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý tỉnh Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cho thấy thị trường đông dân nhất thế giới không còn là thị trường dễ tính như bấy lâu nay. Bộ Công Thương đã phải thông tin để doanh nghiệp và người dân trong nước nắm bắt và chủ động. Nếu hàng hóa Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện như trên thì khả năng hàng bị trả về rất cao.

Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La (một tỉnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như nhãn, xoài, thanh long, na dai...) cho biết, vừa qua Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai, Sở Công Thương Lào Cai đã có những văn bản cảnh báo hàng xuất sang Trung Quốc có rào cản chặt chẽ hơn.

"Chúng tôi đã phổ biến cho các doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã, tổ chức hội nghị đối thoại để tuyên truyền DN nắm được xuất khẩu hàng sang Trung Quốc phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo", ông Trung nói.

Không chỉ đối mặt với các quy định chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, trong sân chơi hội nhập, hàng xuất khẩu của Viêt Nam sẽ phải đối mặt liên tục với các vụ xử phạt, tranh chấp thương mại, áp dụng phòng vệ thương mại… Càng lo ngại khi DN Việt Nam lại chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, nắm chắc các luật lệ quốc tế.

Bài học về chiếc "thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu rút ra đối với thủy sản Việt Nam là một kinh nghiệm xương máu. Theo các quy định của cơ quan này, việc thực hiện đánh bắt, khai thác thủy sản phải gắn với siết chặt khâu quản lý tàu khai thác, ý thức khai thác của ngư dân cũng như tính minh bạch khi thu mua và tiêu thụ sản phẩm hải sản.

Chiếc "thẻ vàng" đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành thủy sản Việt Nam khi trung bình xuất khẩu sang châu Âu thu về gần 500 triệu USD mỗi năm. Kể từ tháng 10/2017 cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đã giảm hẳn lượng xuất khẩu vào được thị trường châu Âu.

Hành trình chứng minh thủy sản Việt Nam đạt yêu cầu của châu Âu sẽ còn dài, việc giành lại chiếc "thẻ xanh" cũng không dễ dàng, tuy nhiên đó là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi, hướng đến xuất khẩu bền vững hơn.

Thuế về 0 nhưng xu hướng bảo hộ gia tăng

Có thể nói, xu hướng bảo hộ các sản phẩm nông, thủy sản của các nước ngày một lớn. Năm 2018, ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 - 40,5 tỷ USD sang các thị trường lớn là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước mắt xuất khẩu nhóm hàng này  phải đối diện với nhiều thách thức, điển hình là xu hướng bảo hộ nông nghiệp thông qua việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại tại các nước. Thậm chí, có nước còn bảo hộ thông qua các biện pháp vi phạm cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Ấn Độ áp mức giá tối thiểu đối với tiêu nhập khẩu vào nước này.

Hiện nay các mặt hàng nông sản, thuỷ sản xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường khu vực châu Á (chiếm 52,7%), trong đó, một số mặt hàng phụ thuộc lớn vào 1 thị trường (sắn, cao su, thanh long...).

Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá cao chưa từng có với cá tra - cá basa của Việt Nam, từ 2,39 - 7,74 USD/kg. Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN

“Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được cải thiện, dẫn đến nhiều vụ việc sản phẩm xuất khẩu bị trả về như thủy sản, tiêu, gạo ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường đã làm tốt khâu đàm phán cắt giảm thuế nhập khẩu thông qua các FTA song phương và đa phương, song đàm phán công nhận về hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhau còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản có mức thuế suất 0% nhưng vẫn chưa được cho phép chính thức nhập khẩu”, ông Hải cho hay.

Ngành thép xuất khẩu cũng không dễ dàng gì, thời gian qua đã phải đối diện với không ít vụ kiện phòng vệ thương mại. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Để vượt qua khó khăn, các DN xuất khẩu cần nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra.

Vai trò của DN trong việc nắm bắt thông tin về thị trường cũng như các luật lệ, quy định của thị trường, các rào cản luật pháp quốc tế là rất quan trọng để tránh xảy ra tranh tụng thương mại.

Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại; báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án đáp trả những biện pháp vô lý của các nước lên hàng xuất khẩu của Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.

Bên cạnh đó, sở giao dịch hàng hóa sẽ là một kênh tốt để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/6 tới đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sự hình thành các sở giao dịch hàng hóa sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xuất khẩu Việt Nam. Thứ nhất, những nhà xuất nhập khẩu có thể tham chiếu giá. Thứ 2, bán được hàng và thứ 3, DN có công cụ bảo hiểm giá cả, điều tiết được sản xuất theo cung cầu.

Tiếp theo: Bài cuối: Xúc tiến xuất khẩu đã ít còn dàn trải
Hoàng Dương/Báo Tin tức
Xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,3 tỷ USD trong 4 tháng
Xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,3 tỷ USD trong 4 tháng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2018, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 353 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1,324 tỷ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng quả đạt 1,053 tỷ USD, mặt hàng rau đạt 159 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN