Tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, dự án đang tập trung hỗ trợ các hộ nông dân trồng cà phê của thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông. Chi phí mỗi ha khoảng 65 triệu đồng; trong đó, dự án tài trợ 50%, nông dân chỉ phải bỏ ra 50%.
Công nghệ tưới nhỏ giọt được triển khai là công nghệ Netafim của Israel. Đây là công nghệ khá tiên tiến, được sử dụng tại nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Đến nay đã có hơn 50 ha cà phê tại Đắk Nông được lắp đặt hệ thống này.
Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa cho biết đã đi tham quan rất nhiều mô hình, công nghệ tưới nước mới, nhất là công nghệ phun sương và tưới nhỏ giọt.
Qua nghiên cứu, theo dõi thực tiễn, ông và nhiều thành viên Hợp tác xã thống nhất chọn công nghệ tưới nhỏ giọt. Ưu điểm công nghệ này là vừa có thể tưới nước, bón phân. Đồng thời, tiết kiệm công lao động, vốn đầu tư và tuổi thọ của hệ thống cũng kéo dài hơn so với các công nghệ khác.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đã lắp đặt được 15 ha, đi vào hoạt động ổn định. Ông Đỗ Văn Ngọc, một thành viên Hợp tác xã cho biết gia đình rất thận trọng nên chưa tham gia từ đầu. Sau khi các hộ khác lắp đặt, ông đã đi tham quan, học hỏi và dự kiến sẽ làm theo trong năm tới.
Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Đắk Nông, đơn vị cũng đã triển khai hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ nhỏ giọt tại nhiều địa phương. Bên cạnh tiết kiệm công lao động, phân bón, nước, việc hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp nông dân hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mặt. Dự kiến, đến thời điểm kết thúc dự án, khoảng 600ha cà phê sẽ được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết ưu điểm của hệ thống là nông dân có thể sử dụng quanh năm, kể cả trong mùa mưa để bón phân.
Dự án triển khai điểm tại một số địa phương trong tỉnh để bà con các khu vực xung quanh có điều kiện tham quan, học tập và nhân rộng.
Tại Đắk Nông, Dự án VnSAT được triển khai tại 3 huyện với 11 xã. Thời gian từ năm 2016 – 2020. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 200 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Đắk Nông phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững hơn.
Các nội dung trong tâm dự án đang tập trung là hỗ trợ phát triển vườn ươm, xây dựng các mô hình tái canh cà phê bền vững, hỗ trợ phát triển đường sá, kênh mương, trạm bơm tại các khu vực sản xuất cà phê tập trung…