Đảm bảo nguồn nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào nửa mùa khô nhưng qua kiểm tra các công trình thuỷ lợi, sông, suối, giếng đào, giếng khoan… nguồn nước cơ bản đảm bảo tưới cho cây cà phê từ nay đến cuối mùa khô.

Những năm trước thông thường tới thời điểm này Tây Nguyên nắng nóng, khô hanh gay gắt. Nhiều công trình thuỷ lợi, sông suối, giếng đào cạn hoặc khô. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thay đổi bất thường, các địa phương ở vùng Tây Nguyên vào tháng 11, 12 năm 2016 vẫn có mưa và mưa lớn kéo dài.

Thậm chí, đầu năm 2017 nhiều địa bàn trồng cà phê ở tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông vẫn có mưa nên việc tưới chủ động cho cây cà phê chậm hơn nhiều lần so với những năm trước đây. Thực tế, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai cũng chỉ mới tưới nước lần 2 cho cây cà phê (trước đây đã phải tưới lần 3, lần 4 cho cây cà phê).

Hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu tại Đắk Nông đảm bảo nước tưới trong mùa khô 2017. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Anh Y Long, ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho biết, những năm trước đây đến thời điểm này, con suối Ea Pốk chảy gần rẫy cà phê đã cạn kiệt nước. Nhưng năm nay gia đình cũng như nhiều nông hộ khác đặt máy tưới lần 2 cho các vườn cà phê mà dòng suối vẫn đầy nước…

Nguồn nước hồ Ea Nhái nằm trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vẫn đảm bảo dung tích thiết kế đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ chống hạn cho hàng nghìn ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch của Công ty Cà phê Thắng Lợi…

Mặt khác, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên bước đầu cũng ý thức việc sử dụng nước tiết kiệm để tưới cho cây cà phê. Đặc biệt, nhiều nông hộ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng hình thức tưới phun mưa nhỏ ở mỗi gốc cây cà phê. Cách làm này không những tiết kiệm nước (chỉ 350 đến 380 lít nước/cây/lần tưới, với chu kỳ tưới là 20 ngày/lần) mà còn giảm chi phí đầu tư, công lao động, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, đảm bảo năng suất, tăng hiệu quả kinh tế từ 13 - 17% so với tưới không tiết kiệm nước…

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Tây Nguyên còn thiếu nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ tưới chủ động thâm canh cây cà phê. Vì vậy, trường hợp hạn nặng kéo gây thiệt hại lớn cho người trồng cà phê. Riêng đợt hạn hán đầu năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã có 134.594 ha cà phê thiếu nước tưới làm giảm mạnh năng suất mạnh; trong đó có 7.894 ha cà phê chết khô, hoặc mất trắng.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có trên 2.354 công trình thuỷ lợi, nhưng chỉ mới đảm bảo tưới chủ động gần 19,5% trong tổng diện tích cà phê trên địa bàn. Diện tích cà phê còn lại chủ yếu tưới từ nguồn nước các sông, suối, giếng đào, giếng khoan….

Ngay tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có nhiều diện tích cà phê nhất cả nước, với 770 công trình thuỷ lợi nhưng các công trình thuỷ lợi cũng chỉ mới tưới chủ động được 52.072 ha, còn lại gần 151.930 ha cà phê tưới từ nguồn nước của sông, suối, giếng đào, giếng khoan…

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 576.800 ha cà phê, chiếm 89,4% diện tích cà phê của cả nước. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất kế đến là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai.

Quang Huy (TTXVN)
 Các hồ thuỷ điện đảm bảo điều tiết nguồn nước hiệu quả trong mùa khô 2017
Các hồ thuỷ điện đảm bảo điều tiết nguồn nước hiệu quả trong mùa khô 2017

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi điều hành xả nước từ các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016 - 2017 ở các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN