Theo Chi cục thủy lợi tỉnh An Giang, ngay từ đầu năm 2016 ngành thủy lợi đã triển khai các kế hoạch làm thủy lợi phục vụ nước tưới cho cả 3 vụ là đông xuân, hè thu và thu đông. Trong đó, riêng vụ hè thu và thu đông 2016, do điều kiện sản xuất ở địa phương, ngành đã có các phương án cung cấp nước tưới khi có lũ lớn và điều kiện lũ thấp, nước ít, nhằm đảm bảo sản xuất an toàn và đạt hiệu quả cao.
Từ đầu năm 2016, UBND tỉnh An Giang đã có Quyết định phân khai nguồn vốn thủy lợi phí, vốn hỗ trợ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và vốn chống hạn để đầu tư các công trình thủy lợi, với tổng số 477 công trình. Trong đó kế hoạch chống hạn, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hai vụ hè thu và thu đông, kể cả cho lúa và màu đã triển khai nạo vét tổng số 164 công trình.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 91 công trình/164 công trình, còn lại 23 công trình nạo vét đang tiếp tục thực hiện, đảm bảo đủ nước ngọt cung cấp cho việc tưới cho lúa và màu vụ thu đông trong điều kiện năm nay, khi mực nước lũ thấp, nguồn nước ít.
Ngành thủy lợi tỉnh An Giang đã kiểm tra công tác quản lý vận hành các Trạm Thủy nông điện trên địa bàn tỉnh, thực hiện các kế hoạch bơm tưới, bơm chuyền nước để đảm bảo đủ nguồn nước trong vụ thu đông, tránh việc gián đoạn bơm tưới trong điều kiện mực nước thấp, nhằm bảo đảm cho kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ thu đông đạt hiệu quả về năng suất và sản lượng cả vụ.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, các Ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã triển khai việc nâng cao ý thức ứng phó với mưa, bão, lũ lụt, sạt lở đất bờ sông, để kịp thời ứng cứu các diễn biến bất thường của thời tiết. Các Ban chỉ huy đã tiến hành kiểm tra, thống kê và khắc phục ảnh hưởng cơn mưa lớn ngày 28/8/2016 và các ngày tiếp theo.